Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh
Theo số liệu của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt khoảng 90,26 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 49,04 tỉ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu đạt khoảng 41,22 tỉ USD, tăng 6,9%.
Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu của nhóm nông sản chính đạt trên 20,73 tỉ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỉ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỉ USD, tăng 27,0%. Theo dự báo, tính cả năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sẽ đạt trên 53 tỉ USD.
Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 11 tháng, các thị trường châu Á chiếm 44,7% thị phần; châu Mỹ chiếm 27,4%; châu Âu chiếm 11,3%; châu Đại Dương chiếm 1,7% và châu Phi chiếm 1,7%.
Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản từ Việt Nam, đạt 12,3 tỉ USD, chiếm 25,0% thị phần; đứng thứ hai là Trung Quốc khoảng 9,3 tỉ USD, chiếm 18,9% thị phần.
Nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Anh cũng đang có nhiều thuận lợi, nhưng đi kèm không ít thách thức.
Kể từ khi có hiệu lực thi hành, Hiệp định UKVFTA đã cắt giảm 94% trong số 547 dòng thuế mà Vương quốc Anh áp đặt đối với nông sản Việt Nam. Nhờ đó, thuế nhập khẩu hầu hết tôm và một số sản phẩm gỗ từ Việt Nam sẽ về 0% trong vòng 5 năm tới. Vương quốc Anh hiện là một trong Top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu và Top 3 thị trường xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu của Việt Nam.
Kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản hàng năm giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt gần 1 tỉ USD.
Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do( FTA) mà nhất là các FTA thế hệ mới như UKVFTA, EVFTA và CPTPP. Thị trường Vương quốc Anh luôn nằm trong nhóm ưu tiên hợp tác của Việt Nam.
Hiệp định UKVFTA được xem là động lực mới thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương một cách toàn diện, sâu rộng hơn nữa để Việt Nam và Vương quốc Anh duy trì, cũng như củng cố quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên đã thiết lập.
UKVFTA đã được ký chính thức tại London của Anh vào ngày 29/12/2020, và được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021, sau đó chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2021.
Nhờ UKVFTA, thương mại song phương Việt Nam - Anh đã đạt gần 6,6 tỉ USD năm 2021, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt gần 5,8 tỉ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Vương quốc Anh sang Việt Nam đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%. Còn trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 5,14 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại một hội thảo về khai thác thị trường Anh và UKVFTA, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Thành phố Hồ Chí Minh là ông Oliver Todd đã ca ngợi vị thế của Việt Nam với tư cách là một đối tác thương mại trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Oliver Todd bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể thay thế các nước khác như Ấn Độ, Indonesia trở thành nhà cung cấp nông, lâm, thủy sản mới của Anh.
Tuy nhiên, thị trường châu Âu có những yêu cầu khắt khe mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được. Trong khi đó, Anh sắp ký FTA với 19 quốc gia và tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng nghĩa lợi thế của Việt Nam sẽ bị thu hẹp.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh, cho biết thị trường khan hiếm nguồn cung, nhưng yêu cầu hàng nhập khẩu phải chất lượng cao, giá thành rẻ là rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Song Thương vụ Việt Nam tại Anh đã triển khai hàng loạt hoạt động nhằm thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị phần hàng Việt Nam tại Vương quốc Anh, mà đặc biệt là hỗ trợ ngành nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam.
Tuệ Minh