Điểm nhấn phục hồi kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022
Theo Dipesh Satapathy, xuất khẩu, doanh số bán lẻ và doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đều sẽ tăng trong năm nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam được cho sẽ đối mặt với tình hình khó khăn vào đầu năm 2023.
Những sáng kiến phục hồi kinh tế sau đại dịch, nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển kinh doanh bền vững đã đánh dấu một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 10,5% lên 371,5 tỉ USD vào năm 2022 so với năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp được dự báo sẽ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị thương mại của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 732 tỉ đô la vào năm 2022.
Tổng giá trị doanh số bán lẻ của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng 21% vào năm 2022, vượt xa mục tiêu 8%. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển thành kênh phân phối chính trong năm nay, khi quy mô thị trường bán lẻ điện tử của Việt Nam ước đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu hàng tiêu dùng.
Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, doanh thu thương mại điện tử cả nước năm nay tăng khoảng 15% so với năm ngoái.
Hồi tháng Hai, chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị quyết về chương trình phục hồi kinh tế xã hội tổng thể trị giá 350 nghìn tỉ đồng (15 tỉ USD) đã được Quốc hội thông qua. Mục tiêu là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đạt mức tăng trưởng GDP 6,5 - 7%/năm trong 5 năm tới, và giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%.
Một dự án cũng đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 11 để mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như cho phép các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới phân phối nước ngoài vào năm 2030 bằng cách khuyến khích sử dụng các kênh thương mại điện tử bên cạnh những kênh truyền thống. Mục tiêu là xây dựng mô hình sản xuất và phân phối xuất khẩu ổn định, bền vững bao trùm các đối tác trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
Dữ liệu sơ bộ cho thấy Việt Nam đã kiếm được 34,645 tỉ USD từ xuất khẩu hàng dệt may trong 11 tháng đầu năm 2022, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 11, tăng trưởng xuất khẩu là 7% so với tháng 10.
Trong đó, Mỹ chiếm một phần lớn tương đương 46,18% với tổng giá trị xuất khẩu là 16,092 tỉ USD trong giai đoạn này. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 3,693 tỉ USD và 3,051 tỉ USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu sợi đã giảm 13,6% so với cùng kỳ xuống còn 4,388 tỉ USD cùng kỳ. Trong số này, Trung Quốc đã nhập khẩu sợi trị giá khoảng 46,44% hay 2,038 tỉ USD. Tiếp theo là Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu sợi của Việt Nam trị giá 112,205 triệu USD.
Về khối lượng, Việt Nam đã xuất khẩu 1.440.484 tấn sợi trong 11 tháng, thấp hơn 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đã bỏ xa Hàn Quốc để trở thành nước xuất khẩu xơ và sợi lớn thứ 6 thế giới, sau khi xuất khẩu các mặt hàng này trị giá 2,37 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2022.
Các doanh nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn, trong đó có việc đơn hàng xuất khẩu giảm và tình trạng này có thể tiếp tục đến nửa đầu năm 2023.
Các ngành xuất khẩu chính bao gồm đồ nội thất được dự báo sẽ chứng kiến lượng đơn đặt hàng sụt giảm nghiêm trọng. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự và quy mô sản xuất trong vài tháng cuối năm nay. Doanh nghiệp hầu hết các ngành cho biết hoạt động xuất nhập khẩu nửa cuối quý IV năm nay và đầu năm 2023 sẽ khó khăn hơn so với quý III/2022.
Minh Thu