Việt Nam sẽ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc trong năm nay
Tầm quan trọng của Việt Nam tăng lên đáng kể đối với Hàn Quốc, sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng 11. Chiến lược này giúp tăng cường sự hiện diện của Hàn Quốc trong khu vực nhằm đa dạng hóa các đối tác thương mại, và đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam hiện được kỳ vọng sẽ trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc trong năm nay, và vượt qua Nhật Bản. Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại đây.
Theo báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI), thương mại Hàn Quốc - Việt Nam đạt mức cao nhất mọi thời đại là 81,1 tỉ USD tính đến tháng 11/2022, cao hơn so với 80,7 tỉ USD vào năm 2021. Con số này đã tăng hơn 160 lần kể từ năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc là ông Nguyễn Vũ Tùng cho biết việc mở rộng quan hệ song phương là hoàn toàn có thể do kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng mạnh. Ông Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh cả hai nước đều được hưởng lợi từ quan hệ đối tác.
"Tôi cho rằng thương mại và đầu tư có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Khi chúng ta có mức đầu tư cao hơn, điều đó có nghĩa là chúng ta có mức độ thương mại cao hơn vì các dự án đầu tư đều yêu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, công nghệ hoặc thiết bị", Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng trả lời phỏng vấn Korea Times tại Đại sứ quán Việt Nam ở trung tâm Seoul hôm 20/12.
Đối tác chiến lược toàn diện
Tầm quan trọng của quan hệ song phương được thể hiện qua chuyến thăm Hàn Quốc mới đây của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Chủ tịch nước trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới thăm Hàn Quốc kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức vào tháng Năm.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh dấu một thời điểm quan trọng trong quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam, khi hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Theo Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng, việc nâng tầm quan hệ song phương phản ánh tầm nhìn của cả hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Việt Nam, đồng thời báo hiệu hướng đi của quan hệ đối tác trong tương lai.
“Hai bên nhất trí tăng cường nhiều mặt của quan hệ từ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội và nhân dân đến giao lưu nhân dân,” ông Nguyễn Vũ Tùng nói.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Hàn Quốc và Việt Nam bao gồm các lĩnh vực hợp tác đa dạng, truyền thống và mới, cũng như hai nước sẽ cùng nhau theo đuổi việc thiết lập chuỗi cung ứng mới để tiếp cận ổn định, bền vững các nguyên liệu và khoáng sản quan trọng.
"Các dự án đầu tư mới có thể được triển khai trong lĩnh vực kinh tế, kinh tế kỹ thuật số, fintech, y sinh và dược phẩm. Các lĩnh vực hợp tác mới được mở ra nhờ sự phát triển của công nghiệp 4.0, cũng như các tình huống địa chiến lược và địa kinh tế", Đại sứ nói thêm.
Bổ trợ kinh tế cho nhau
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, và có mối liên kết văn hóa với Hàn Quốc. Đại sứ cho rằng sự tương hỗ của hai nước, cũng như bối cảnh khu vực và toàn cầu là những yếu tố then chốt trong quan hệ đối tác bền chặt giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Hàn Quốc có ngành sản xuất mạnh và dẫn đầu về công nghệ và đổi mới, trong khi Việt Nam có lực lượng lao động ngày càng tăng và cạnh tranh, cũng như là một thị trường lớn cho hàng tiêu dùng. Đây là mối quan hệ bổ sung cho phép cả hai nước được hưởng lợi từ thương mại và đầu tư song phương.
"Đó là sự bổ sung giữa hai nền kinh tế - những gì Hàn Quốc thiếu Việt Nam có thể cung cấp và ngược lại. Những gì chúng tôi thiếu là vốn, công nghệ và mạng lưới sản xuất và phân phối của các công ty toàn cầu của Hàn Quốc đang có các dự án FDI ở Việt Nam. Đây là những gì Hàn Quốc có thể cung cấp," Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng nói.
"Việt Nam có thể cung cấp lao động. Chúng tôi có lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng. Chúng tôi có cơ sở hạ tầng có thể tiếp nhận các dự án FDI. Việt Nam có một thị trường lớn với thị trường nội địa gần 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang gia tăng cùng sức mua cao hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam có 15 FTA song phương và đa phương. Đây là cơ hội tốt đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc cả về mặt thương mại và đầu tư”, Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng nói thêm.
Cũng theo Đại sứ, Việt Nam mong muốn Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng, sản xuất, phát triển bất động sản và dịch vụ tài chính như một phần của nỗ lực hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước, đồng thời tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực mới như an ninh mạng, thành phố thông minh, truyền thông kỹ thuật số, môi trường công nghệ, y sinh học và lĩnh vực dược phẩm để đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất cũng như phân phối của các công ty toàn cầu của Hàn Quốc.
Minh Thu