Asia Times: Việt Nam là kiểu mẫu phục hồi kinh tế sau Covid-19
Kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những thành công xuất sắc trong năm 2022 với tư cách là nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở khu vực châu Á mà chủ yếu nhờ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, theo báo Asia Times.
Trong bối cảnh, các nền kinh tế mới nổi đang tìm cách phục hồi sau khi chịu tác động từ đại dịch Covid-19, nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài cũng đang tìm hiểu và muốn học hỏi mô hình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh của Việt Nam.
Theo đó, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2022 là vô cùng ấn tượng. Ít nhất 11 công ty Đài Loan trong chuỗi cung ứng của Apple đã chuyển đến Việt Nam, và các cuộc đàm phán để tăng sản lượng máy tính bảng và điện thoại thông minh cũng đang được tiến hành. Ngoài ra, hãng Lego cũng đã mở một nhà máy trị giá 1 tỉ USD tại tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài như Samsung và Intel đã cho tăng cường và mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong năm 2022 đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, với 1.570 dự án mới trị giá 9,9 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đã tăng 5,7% lên 58,3 tỉ USD.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần lượt dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7% và 6,5% trong năm 2022.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư đến Việt Nam đã tăng đều theo thời gian và tăng nhanh hơn nữa vào năm 2018, thời điểm Mỹ - Trung bắt đầu cuộc chiến đánh thuế. Nhiều công ty của Mỹ đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 40% trong quý I năm 2019. Tiền lương nhân công ở Việt Nam cũng là một điểm thu hút giới doanh nghiệp Mỹ. Do mức lương ở Việt Nam thấp hơn một nửa so với mức lương tương đương ở Trung Quốc vào năm 2019.
Kể từ năm 2020, dòng vốn FDI di chuyển khỏi Trung Quốc đã tăng tốc do chính sách zero Covid-19 của Chủ tịch Tập Cận Bình, khiến các công ty gặp khó khăn trong việc quay trở lại mức sản xuất trước thời điểm đại dịch xuất hiện.
Trong khi đó, Việt Nam đã cố gắng giảm đáng kể các đợt bùng phát Covid-19 thông qua chiến lược phòng ngừa và tiêm chủng diện rộng, đồng thời duy trì sức sống kinh tế. Theo đánh giá của Nikkei Asia, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia hàng đầu trên toàn thế giới về quản lý Covid-19, và là nơi tiếp nhận các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) bỏ chạy khỏi những địa điểm có nhiều vấn đề hơn.
Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã tập trung vào việc cải thiện nguồn nhân lực như sửa đổi Luật Giáo dục Đại học năm 2018, và Bộ luật Lao động năm 2019. Mặc dù mức lương thấp và trình độ văn hóa cao là yếu tố thu hút các FIE, nhưng họ vẫn thường phàn nàn rằng người lao động Việt Nam thiếu những kỹ năng cụ thể và khó giữ chân các lao động có kỹ năng.
Theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan hơn về khả năng cải thiện nguồn nhân lực trong tương lai khi đánh giá giá trị của các chương trình đào tạo kỹ thuật và chuyên môn tại Việt Nam. Xếp hạng của FIE về chất lượng lao động địa phương cũng đã được cải thiện đều đặn cho cả mảng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề.
Ngoài ra, mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng để cải thiện khả năng hấp thụ đầu tư cũng là mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Báo cáo PCI 2018 cho thấy cơ sở hạ tầng của Việt Nam không phải là lợi thế so sánh để các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn làm địa điểm đầu tư.
Trên thang điểm 6, đánh giá của nhà đầu tư đã tăng vọt trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2021 về chất lượng đường bộ (từ 3,72 lên 4,44), kết nối cảng với đường cao tốc (từ 4,02 lên 4,49) và kết nối đường sắt – đường cao tốc (từ 3,97 lên 4,41).
Báo Asia Times kết luận dù vẫn còn thiếu sót về nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng, nhưng câu chuyện thành công sau đại dịch Covid-19 cho thấy Việt Nam có thể làm chủ vận may bằng những nỗ lực đúng hướng, và giải quyết được các vấn đề cơ bản nhằm thúc đẩy năng suất của các nhà đầu tư.
Minh Thu