Hiệp định CPTPP tăng vị thế cho ngành xuất khẩu Việt Nam
Trong 10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đạt 88,1 tỉ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 45,1 tỉ USD trong giai đoạn này, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu 43 tỉ USD, tăng 16,26% so với cùng kỳ, và xuất siêu hơn 4 tỉ USD.
Theo Fibre2Fashion, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, cho biết kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đều tăng trưởng hai con số hàng năm trong 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực thi hành.
Cũng theo ông Lương Hoàng Thái, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam bao gồm Canada và Mexico, đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu về khoảng 6 tỉ USD từ xuất khẩu hàng hóa sang Canada, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này là khoảng 4,6 tỉ USD từ thị trường Mexico, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay cả xuất khẩu sang Peru, mặc dù mới phê chuẩn Hiệp định CPTPP vào năm 2021 cũng đạt 560 triệu USD, tăng trưởng 85% so với năm 2020. Chile, tuy chưa phê chuẩn Hiệp định CPTPP, nhưng xuất khẩu của Việt Nam cũng đã đạt 1,7 tỉ USD, tăng 63% so với năm 2020.
Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái cho biết Hiệp định CPTPP vẫn còn một số hạn chế bao gồm thị phần khiêm tốn của hàng hóa Việt Nam tại các thị trường CPTPP, và sự bất bình đẳng trong cơ hội giữa các doanh nghiệp trong nước và những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Cùng với hàng loạt FTA khác, CPTPP là cú hích cho các ngành hàng, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong mở cửa thị trường và gia tăng xuất khẩu.
Ông Bùi Tuấn Hoan, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương, cho biết thêm mặc dù xuất khẩu tăng trưởng khả quan nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn mà nhất là về chi phí logistics khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường CPTPP bao gồm thị trường Mỹ do khoảng cách địa lý xa.
Bên cạnh đó, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm tại các thị trường CPTPP cũng là một thách thức khác đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Không thể phủ nhận Hiệp địnhCPTPP đã đem lại lợi thế thuế quan 10 - 20% cho hàng hóa của Việt Nam đối với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực. Con số 12% là con số rất lớn và nó đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh rất rõ rệt cho doanh nghiệp Việt Nam.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do có quy định việc loại bỏ 95% thuế quan giữa 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Với việc các nước bao gồm các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường những nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi.
Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực thi hành. Theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.
Tham gia Hiệp định CPTPP tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng quốc gia. Như về mặt xã hội, hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 lao động. Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030, Hiệp định CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày.
Minh Thu