Hiệp định EVFTA mở đường thuận lợi cho doanh nghiệp dược châu Âu vào Việt Nam
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được ký kết ngày 30/6/2019. EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng cùng mức độ cam kết cao, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác toàn diện và phát triển giữa Việt Nam và châu Âu. Kể từ khi chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2020, EVFTA đã tạo bước ngoặt lớn trong lĩnh vực dược phẩm giữa Việt Nam và châu Âu.
Theo đó, EVFTA đã giúp giảm hàng loạt thuế quan đối với các sản phẩm dược phẩm của châu Âu, và trong số này phần lớn các mặt hàng bị đánh thuế sẽ được miễn thuế vào năm 2027.
Bên cạnh đó, các điều khoản trong EVFTA còn cho phép những doanh nghiệp dược phẩm của Liên minh châu Âu (EU) thành lập công ty tại Việt Nam thay vì liên doanh với các công ty nội địa của Việt Nam. Điều này sẽ giúp các công ty dược phẩm EU kiểm soát chặt chẽ hơn chuỗi cung ứng.
Năm 2021, xuất khẩu dược phẩm của EU sang Việt Nam đạt khoảng 1,5 tỉ euro và đóng góp vào việc làm và khả năng phục hồi kinh tế của EU. Ngoài ra, con số này chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam là 10,6 tỉ euro.
Hôm 21/10, EU đã đưa ra thông báo hoan nghênh việc Việt Nam xóa bỏ phân biệt đối xử đối các sản phẩm dược phẩm từ các quốc gia thành viên trong khối.
Theo đó, mặt hàng dược phẩm từ tất cả các quốc gia thành viên EU sẽ thực hiện thủ tục đăng ký đơn giản hơn và nhanh chóng hơn, đồng thời tham gia vào mua sắm của chính phủ cũng dễ dàng hơn. Điều này còn cho phép các sản phẩm dược phẩm của EU tiếp cận thị trường Việt Nam tốt hơn, giúp mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng Việt Nam đối với khả năng tiếp cận thuốc chữa bệnh.
Sau khi thông tư 08/2022/TT-BYT quy định việc đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chính thức có hiệu lực vào ngày 20/10, nhiều công ty dược tại Tây Ban Nha, Ba Lan, Italy và Hungary đang tìm kiếm cơ hội bước vào thị trường dược phẩm của Việt Nam. Đây là những công ty từng phải đối mặt với các quy trình phê duyệt khắt khe và mất thời gian hơn do sự khác biệt trong cách đối xử của các cơ quan quản lý trong những quốc gia thành viên EU. Cụ thể, như quy định trước đây (Thông tư 32) phân biệt giữa các cơ quan quản lý của các quốc gia thành viên, đồng thời liệt kê một số là "Cơ quan quản lý tham chiếu" (RRA) và một số khác là "Cơ quan quản lý nghiêm ngặt" (SRA).
Nói cách khác, những sản phẩm dược phẩm được đăng ký bởi RRA sẽ có thủ tục đăng ký được đơn giản hóa và ngắn gọn hơn mà thậm chí được miễn trừ thử nghiệm lâm sàng.
Việc phân biệt giữa RRA và SRA còn gây ảnh hưởng tới khả năng tham gia mua sắm dược phẩm của các chính phủ. theo đó, những loại thuốc được RRA phê duyệt sẽ được đánh giá điểm cao hơn, từ đó làm giảm cơ hội của các sản phẩm dược phẩm được SRA đăng ký.
Do đó, khi thông tư số 08 được ban hành, tất cả các cơ quan quản lý của các quốc gia thành viên EU đều được công nhận là "Cơ quan quản lý tham chiếu" (RRA).
Cũng theo thông tư 08, toàn bộ việc đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của 27 nước thành viên EU sẽ nằm dưới sự giám sát của Bộ Y tế Việt Nam. Thông tư 08 được nhận định một bước quan trọng để Việt Nam phát triển các điều kiện cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp, đồng thời cho phép Việt Nam hội nhập tốt hơn vào chuỗi giá trị dược phẩm trên toàn cầu.
“Kết quả tích cực dành cho ngành dược phẩm EU và người dân Việt Nam cho thấy giá trị của thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Việt Nam”, tuyên bố từ phía EU nhấn mạnh.
Minh Thu