Mở rộng thị phần nông sản Việt tại EU
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần phải nhanh chóng mở rộng thị phần tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) trước khi EU ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam.
Theo tờ Krishak Jagat của Ấn Độ, việc thực thi các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã tạo động lực cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, sau 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP và hơn 1 năm thực thi EVFTA, ngành xuất khẩu Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực rõ nét.
Riêng năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỉ USD, tăng 14,8% so với năm 2020. Cụ thể, tổng trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỉ USD, tăng 14,2% so với năm 2021. Xuất khẩu của EU sang Việt Nam đạt 17,9 tỉ USD, tăng 16,5% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đạt khoảng 7,8 tỉ USD. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội cắt giảm thuế quan của EU theo Hiệp định EVFTA.
Năm 2022, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường ký kết FTA tiếp tục tăng. Điển hình, với thị trường EU, sau 9 tháng, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ước tính đạt 39,4 tỉ USD, tăng 22,3%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỉ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỉ USD, tăng 15,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỉ USD, tăng 22%.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các FTA thế hệ mới đã mang tới nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp EU hướng đến thị trường Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, rào cản hiện nay khi xuất khẩu rau quả Việt Nam vào các thị trường FTA là hàng rào thuế quan và kỹ thuật.
“Để tham gia sâu hơn vào sân chơi này, các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của từng thị trường. Như thị trường EU được cho “dễ mà khó, khó mà dễ” do hàng xuất sang EU không cần đàm phán và cho phép nhập khẩu tất cả các loại trái cây, nhưng họ lại kiểm soát hơn 30 loại dư lượng rất chặt”, ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Lợi thế của xuất khẩu rau quả là nông dân Việt Nam có thể tạo ra sản phẩm quanh năm, cùng nhiều chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ được triển khai. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cần khắc phục là khâu tiếp thị sản phẩm chưa tốt. Trong khi đó, ở lĩnh vực này, các công ty Thái Lan đang làm rất tốt.
“Thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần quảng bá sản phẩm nhiều hơn nữa”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến nghị.
Còn theo Phó Chủ tịch EuroCham Jean Jacques Bouflet, sau đại dịch Covid-19, chính sách nhập khẩu từ EU không thay đổi. Tuy nhiên, Việt Nam gặp trở ngại khi đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch ngày càng khắt khe của EU. Như ngành cà phê cần đảm bảo có chứng chỉ phát triển bền vững theo yêu cầu từ các nhà nhập khẩu EU.
“Thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo chỉ số phát thải, phát triển bền vững. Người tiêu dùng EU cần thấy được thiện chí của các nhà sản xuất Việt Nam trong việc tạo ra sự thay đổi trong phát triển bền vững và giảm phát thải,” ông Jean Jacques Bouflet nói.
Thách thức chính của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng chính là đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững, đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, sản phẩm xanh và bền vững.
Để các doanh nghiệp Việt Nam sớm tăng khối lượng xuất khẩu sang EU, Phó Chủ tịch EuroCham Jean Jacques Bouflet cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần xây dựng thương hiệu, hạn chế xuất khẩu thô, và nâng cao năng lực chế biến.
Ngoài ra, để tận dụng hiệu quả EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, nhanh chóng gia tăng thị phần tại thị trường nhập khẩu nông sản của EU trước khi EU triển khai ký kết FTA với các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của Việt Nam.
Như với thị trường Australia, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết Việt Nam có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu sang Australia các loại trái cây như bưởi, chanh leo, nhãn sấy khô.
Đặc điểm của trái cây nhiệt đới Việt Nam là nhanh hỏng, trong khi đến các thị trường xa lại mất nhiều thời gian. Do đó, các doanh nghiệp ngành rau quả Việt Nam cần đẩy mạnh khâu sơ chế, bảo quản để nâng cao chất lượng nông sản nhằm tận dụng lợi thế mà các FTA mang lại.
Minh Thu