CPTPP đẩy mạnh tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam – Australia
Kể từ khi trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Australia đã tăng trưởng theo quỹ đạo đi lên, đồng thời đặt nền móng vững chắc cho quan hệ thương mại song phương giữa hai nước. Có thể nói Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút đông đảo các nhà đầu tư từ Australia.
Tính tới tháng 5/2022, Việt Nam và Australia nằm trong Top 12 đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Ngoài ra, Australia còn là một trong những nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu của Việt Nam, cũng như là quốc gia có đông đảo du học sinh Việt Nam tới học tập.
Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên được thực thi của thế kỷ 21 với nhiều kỳ vọng. CPTPP gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealan, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định CPTPP được ký kết và có hiệu lực trong năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định tiền thân của CPTPP, vào năm 2017.
Tại thời điểm ký kết vào năm 2018, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA), và Liên minh châu Âu (EU). CPTPP có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân với tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỉ USD và chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, tương đương khoảng 14% tổng thương mại thế giới. Sự tham gia của các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Với Việt Nam, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2019.
Việt Nam và Australia hiện là thành viên của ít nhất 3 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) gồm Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định CPTPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trên thực tế, hai nền kinh tế Việt Nam và Australia còn có sự tương trợ lớn cho nhau. Cụ thể, Australia là nhà cung ứng đáng tin cậy cho ngành dịch vụ và nguyên liệu thô mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần, trong khi đó khách hàng Australia tỏ ra hài lòng trước những sản phẩm chất lượng cao do Việt Nam sản xuất được sử dụng tại hộ gia đình và nơi làm việc.
Hiệp định CPTPP đã giúp thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia nhờ chính sách giảm thuế và các sáng kiến điều hành. Theo Tổng cục Thống kê, vào năm 2021, giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia đã lần đầu tiên đạt 12,4 tỉ USD, tăng 49% so với năm 2020. Con số này đưa Việt Nam lên vị trí thứ 12 trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Australia, và Australia cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam. Giá trị vận tải hàng hóa của Việt Nam sang Australia đã đạt hơn 4,45 tỉ USD vào năm 2021, tăng hơn 23% so với năm 2020.
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đang tăng mạnh và đã đạt 1,38 tỉ USD trong quý I năm nay, tăng 32,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Australia có mức tăng mạnh nhất là nông sản như cà phê, cao su và công nghiệp như sắt thép.
Về lĩnh vực nhập khẩu, Việt Nam đã nhập khẩu gần 8 tỉ USD hàng hóa từ Australia trong năm 2021, tăng 70% so với năm 2020 với các mặt hàng như than, quặng sắt, thịt hay cotton. Điển hình, giá trị nhập khẩu than từ Australia sang Việt Nam trong quý I năm 2021 đã tăng hơn 176% so với cùng kỳ một năm trước đó, và nhập khẩu cotton cũng tăng 333% trong quý I năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Tính tới cuối năm 2021, Australia có khoảng 550 dự án đầu tư FDI tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư gần 2 tỉ USD. Australia hiện là nhà đầu tư lớn thứ 19 tại Việt Nam. Đa phần vốn đầu tư FDI từ Australia tại Việt Nam hiện tập trung vào ngành sản xuất và chế biến với tỷ lệ là 47,2%, trong đó tập đoàn BlueScope vẫn đang dẫn đầu và là nhà đầu tư lớn nhất của Australia tại Việt Nam.
Minh Thu