Văn hóa học đường góp phần quan trọng trong giáo dục giới trẻ phát triển toàn diện
Tầm quan trọng của văn hóa học đường trong giáo dục giới trẻ
PGS.TS Đào Duy Quát - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương nhận định, văn hóa học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực được tạo ra trong quá trình tương tác ứng xử giữa nhà quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và các cộng đồng với nhau trong hoạt động dạy và học, trong các hoạt động trong trường học và hoạt động ngoại khóa.
Xây dựng văn hóa học đường tốt sẽ góp phần giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ phát triển toàn diện, nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, có lương tâm trách nhiệm với bản thân, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Cũng theo PGS.TS Đào Duy Quát, thực chất văn hóa học đường là hệ giá trị chuẩn mực văn hóa, điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ lời nói của người quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên, của học sinh, sinh viên trong giao tiếp với các thành viên trong nhà trường và với xã hội.
Vì vậy văn hóa học đường là môi trường văn hóa đặc biệt quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục giới trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ, có năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật...
Những vấn đề cơ bản trong xây dựng văn hóa học đường
Để xây dựng thành công văn hóa học đường Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng chúng ta cần thống nhất nhận thức về văn hóa, về văn hóa trong các trường học, về vị trí vai trò của văn hóa, văn hóa học đường, quán triệt sâu sắc mục tiêu chung gắn chặt với nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo để tập trung làm tốt những vấn đề cơ bản sau:
Đầu tiên là bám sát mục tiêu xây dựng văn hóa học đường đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, kỷ cương, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, để xây dựng hệ giá trị chuẩn văn hóa học đường Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Và một trong những mục tiêu quan trọng là trên cơ sở hệ giá trị chuẩn mực văn hóa học đường cần kịp thời đổi mới, bổ sung hoàn thiện nội dung, phương pháp trong chương trình giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức, giáo dục công dân và đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức trong các hoạt động của tổ chức Đội, Đoàn trong nhà trường.
"Trên nền tảng của hệ giá trị chuẩn mực văn hóa học đường, bổ sung, hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, xác định chuẩn mực ứng xử văn hóa lãnh đạo quản lý giáo dục trong dạy và học.
Trong học tập, tự học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên, trong hoạt động ngoại khóa, trong các hoạt động chính trị xã hội của các tổ chức chính trị xã hội trong nhà trường, trong quan hệ ứng xử giữa các trường học với xã hội.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các cơ chế, các thiết chế văn hóa trong nhà trường như phòng thư viện, phòng truyền thống, phòng thông tin truyền thông (bản tin, trang điện tử, phát thanh…) các câu lạc bộ văn nghệ, các khu thể dục thể thao, cảnh quan trường học…
Trong đó, đảm bảo cơ chế, chính sách để các thiết chế này vận hành có nền nếp có chất lượng để làm cho các giá trị văn hóa, giá trị văn hóa học đường thấm sâu vào từng thành viên của nhà trường hình thành nhận thức, niềm tin, điều chỉnh hành vi, cử chỉ, lời nói theo giá trị văn hóa học đường”, PGS.TS Đào Duy Quát nói.
Chuyển biến trong công tác xây dựng văn hóa học đường
Thời gian qua, việc xây dựng văn hóa trong các trường học luôn được Đảng, xã hội quan tâm. Cụ thể, từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2022, Chính phủ đã ra bốn quyết định phê duyệt một số chương trình, đề án xây dựng văn hóa trong các trường học; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập.
Ngành giáo dục đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục, đạo đức, lối sống thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Đến nay 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và tiến hành xây dựng bộ quy tắc ứng xử; đã thực hiện việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa; đã đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, sinh hoạt Đội.
Trong dạy và học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, đã tăng cường liên hệ với thực tiễn, các tấm gương người tốt việc tốt và đề cao trách nhiệm nêu gương mọi nơi mọi lúc của các thầy giáo, cô giáo…
Đến nay công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phần lớn thế hệ trẻ trong nhà trường hiện nay có kiến thức rộng, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, có sức khỏe tốt, tinh thần cầu thị trong học tập.
Ngoài ra, học sinh còn có khả năng ứng dụng những kiến thức trong học tập vào thực tiễn được nâng cao thể hiện nổi bật trong chất lượng, hiệu quả các phong trào tình nguyện và nhất là trong phong trào lập nghiệp hiện nay; có thái độ quý trọng thầy cô, đoàn kết giúp đỡ bạn học, sống có kỷ cương, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Bên cạnh mặt tích cực nêu trên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn và lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản của văn hóa học đường. Theo PGS.TS Đào Duy Quát, thực trạng yếu kém này đã ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa học đường, mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Hoàng Thanh