Tổ chức Halloween phổ biến tại các trường học có phù hợp văn hóa học đường?
Sau sự cố hàng trăm người chết khi tham gia lễ hội Halloween ở Hàn Quốc, nhiều người giật mình vì những năm gần đây lễ hội này cũng được giới trẻ Việt Nam hưởng ứng rầm rộ.
Thậm chí, nhiều trường học từ cấp mầm non tới đại học đã tổ chức Halloween như một sự kiện trong năm. Đông đảo học sinh tham gia lễ hội này như một hình thức giải trí. Nhiều gia đình cũng sẵn sàng chi tiền triệu mua sắm những bộ phục trang kinh dị cho con để tham gia lễ hội hóa trang.
Người dùng mạng xã hội Nguyễn Phan Tú Dung nhận định: “Máu me, cảnh tượng rùng rợn, chết chóc… Halloween có nên là văn hoá cần hạn chế ở học đường? Không phải văn hoá Phương Tây nào cũng tốt! Có cần ngày càng phổ biến Halloween cho học sinh? Sách vở thì tiết kiệm từng đồng nhưng ba mẹ sẵn sàng chi hàng triệu cho trò chơi ma quỷ”.
Một tài khoản mạng xã hội khác đưa ra nhìn nhận về những bộ trang phục hóa trang rùng rợn: “Cha mẹ sinh ra hình hài con người đẹp đẽ không muốn lại muốn biến mình thành ma quỷ”.
Trước luồng ý kiến phản đối tổ chức phổ biến lễ hội Halloween ở các trường học, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên thường trực, Uỷ ban Văn hoá của Quốc hội cho rằng, lễ hội Halloween là một sự kiện nước ngoài mới du nhập vào Việt Nam và được tổ chức rầm rộ vài năm gần đây.
“Chính vì đây là lễ hội ngoại nhập, có những ý nghĩa, giá trị và câu chuyện riêng của nước ngoài nên khi vào đến Việt Nam, chúng ta chưa hiểu thấu đáo cũng là chuyện bình thường.
Chúng ta chủ yếu mới đang thực hành ở hình thức của lễ hội mà chưa đi sâu tìm hiểu những ý nghĩa, giá trị sâu xa của lễ hội ấy.
Khi người thực hành lễ hội chưa hiểu về bản chất, ý nghĩa của sự kiện, họ thường bị chi phối bởi những thông tin phổ biến đến từ nước ngoài, đặc biệt là định hướng bởi mục đích những người kinh doanh các sản phẩm phục vụ cho Halloween.
Đó cũng là lúc những hệ lụy tiêu cực của lễ hội ảnh hưởng đến mỗi cá nhân và toàn xã hội, tạo nên dư luận phản đối lễ hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc tổ chức lễ hội Halloween là điều tất yếu xảy ra ở nước ta cũng như nhiều nước khác khi quá trình hội nhập quốc tế đã khiến cho các sự kiện này trở thành những sự kiện toàn cầu. Không chỉ có Halloween, còn nhiều hiện tượng khác như Valentine, ngày lễ tặng quà, ngày dành cho bố, cho mẹ... cũng được tổ chức ngày càng rộng rãi.
“Vì thế, tôi nghĩ rằng, chúng ta vẫn có thể tổ chức lễ hội Halloween nhưng cần có những chấn chỉnh, thay đổi để hiện tượng văn hóa thú vị này có ích cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Bất kỳ một sự kiện văn hóa nào cũng có nhiều chức năng, nếu biết cách phát huy tác dụng, sẽ có lợi cho sự phát triển đất nước. Chắc chắn, việc tổ chức lễ này cần dựa trên hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, chức năng của lễ hội này đối với không chỉ văn hóa, con người mà còn với cả sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn phân tích.
Ngoài phản đối tổ chức Halloween tại các trường học, nhiều người cũng cho rằng thay vì chạy theo những trào lưu du nhập từ nước ngoài thì tại sao chúng ta không phổ biến các lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống.
Về vấn đề này, theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta cũng có thể học tập những kinh nghiệm từ việc tổ chức các lễ hội nước ngoài cho việc tổ chức lễ hội văn hóa dân gian Việt Nam. Chúng ta nên xem cách những người tổ chức lễ hội Halloween tạo ra các sự kiện đầy màu sắc, với các sản phẩm đi kèm từ đồ hóa trang, cách hóa trang, kích thích sự quan tâm, tạo không khí muôn màu muôn vẻ, sôi động và bí hiểm, rất phù hợp với giới trẻ.
“Vì thế, thay vì trách móc giới trẻ tại sao lại say mê với Halloween hay các sự kiện văn hóa nước ngoài, tôi nghĩ đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu tại sao điều đó lại xảy ra và mình học được gì từ những sự kiện này, để lồng ghép những giá trị văn hóa dân tộc vào trong những sự kiện đó cũng như tìm cách tổ chức tốt hơn các sự kiện văn hóa dân tộc.
Tôi không tin giới trẻ thờ ơ, quay lưng lại với các lễ hội của đất nước mà tôi nghĩ rằng việc tổ chức các lễ hội của chúng ta chưa đủ sức hấp dẫn để tạo nên sự quan tâm ấy.
Nếu chúng ta biết cách tạo ra sự hấp dẫn bằng cách biến các sự kiện lễ hội này thành những sinh hoạt văn hóa phù hợp hơn với nhu cầu, nguyện vọng của giới trẻ, thông qua các sản phẩm, trò chơi gần gũi, đa dạng, phong phú, để từ đó kể những câu chuyện nhẹ nhàng, tinh tế về truyền thống văn hóa dân tộc, thì chúng ta có thêm nhiều hy vọng là giới trẻ sẽ thích thú, quan tâm tham gia nhiều hơn vào các lễ hội văn hóa dân tộc”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Theo ông Sơn, từ sự thích thú, tham gia đó, giới trẻ sẽ có thêm nhiều sáng tạo, làm giàu có thêm lễ hội dân gian. Điều đó sẽ có lợi cho tất cả các bên liên quan, từ bản thân các bạn trẻ khi có những sinh hoạt văn hóa phù hợp với mình, hình thành nên bản lĩnh và sự tự tin văn hóa giúp họ hội nhập tốt hơn với đời sống quốc tế, vừa giúp văn hóa dân tộc trường tồn và phát triển thông qua việc tham gia tích cực, chủ động của giới trẻ, đồng thời cũng giúp kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững từ việc khai thác giá trị văn hóa của chính dân tộc mình.
Lễ hội Halloween hay còn gọi là lễ hội ma quỷ, là một ngày lễ truyền thống và đặc biệt ở các nước phương Tây. Đây cũng là ngày bắt đầu khoảng thời gian của các Kito tưởng nhớ đến những người đã khuất là các tín hữu, tử đạo hay các vị thánh. Bên cạnh đó, Halloween còn là ngày đánh dấu thời điểm kết thúc một vụ mùa và đón chờ mùa Đông lạnh giá sắp tới. Người dân tham gia lễ hội sẽ hoá trang thành những nhân vật đáng sợ, sau đó tới từng nhà để gõ cửa, nhận kẹo và chúc tụng chủ nhà. |
N. Huyền