Bạo lực học đường ở Nghệ An: Xử lý nghiêm khắc, giáo dục kịp thời
Đánh bạn chỉ vì mâu thuẫn nhỏ
Vào tối ngày 21/10/2022, em Hà Thị Phương Ng. (học sinh lớp 7A) tổ chức sinh nhật, có mời nhiều bạn bè trong đó có em Lô Thị Ngọc T. (lớp 9A), em Hà Thị Mộng V. (lớp 7A), các em này đều là học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thông Thụ (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong) và em Lang Thị Yến N. (lớp 9A, học sinh trường THCS Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An). Trong lúc mừng tiệc sinh nhật thì em V. có xích mích với bạn của em Ng..
Đến khoảng 22h cùng ngày các em rủ nhau lên cầu Nặm Piệt (bản Lốc, xã Thông Thụ) để chơi. Tại đây, 3 em Ng., N. và T. đã tát vào mặt, đạp nhiều lần em V.. Sau đó, một bạn học đi qua thấy vụ việc nên vào can ngăn rồi chở em V. về nhà.
Sự việc không dừng lại khi 22h ngày 22/10/2022, em Ng. lên nhà, chở V. xuống cầu Nặm Piệt bắt V. xin lỗi. Tiếp đó, Ng., N., T. kéo tóc, đánh vào mặt và người em V. nhiều lần. Vụ việc được quay lại, sau đó đưa clip lên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao.
Theo thầy Lữ Thanh Hà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quế Phong, sau khi nắm bắt được sự việc, Phòng đã chỉ đạo trường THCS Đồng Văn cùng với trường PTDTBT THCS Thông Thụ phối hợp với Công an xã Thông Thụ điều tra, xác minh và xử lý vụ việc.
Hai nhà trường cũng đã làm việc với các học sinh, phụ huynh học sinh có liên quan để nắm bắt nguyên nhân vụ việc và phối hợp xử lý.
Bước đầu xác định nguyên nhân vụ bạo lực học đường này là do mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook và mâu thuẫn giữa các nhóm bạn trong lúc dự sinh nhật em Ng..
Trước đó, một vụ bạo lực học đường khác xảy ra trong giờ ra chơi tiết 2 ngày 17/9/2022, em Lương Thị T. (học sinh lớp 10C6, trường THPT Anh Sơn 3, huyện Anh Sơn) yêu cầu bạn cùng lớp là em Bùi Thị Yến V. lên tầng 3 để nói chuyện, xin lỗi bạn Dương Thị Khánh L. (học lớp 10C5, trường THPT Anh Sơn 2) do giữa 2 em này có mâu thuẫn từ năm lớp 9.
Tuy nhiên, do Lương Thị T. không nói rõ mục đích nên khi lên tới tầng 2 thì Bùi Thị Yến V. bỏ về lớp. Em T. sau đó theo về lớp rồi tát liên tiếp vào mặt em V. trước sự chứng kiến của nhiều bạn bè trong lớp học.
Clip sự việc sau đó được đăng lên mạng xã hội facebook khiến phụ huynh học sinh bị đánh vô cùng bức xúc.
Đến tối 17/9, sau khi nắm được sự việc, Ban giám hiệu Trường THPT Anh Sơn 3 đã phối hợp với Công an huyện Anh Sơn, Công an xã Đỉnh Sơn làm việc với các học sinh và phụ huynh liên quan.
Tại buổi làm việc, học sinh vi phạm đã xin lỗi em Bùi Thị Yến V. và gia đình, vì thiếu suy nghĩ nên có hành động dại dột và xin hứa sẽ không tái phạm.
Thầy Nguyễn Phi Hùng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Anh Sơn 3 cho biết, nhà trường đã nghiêm khắc nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục và giao cho giáo viên chủ nhiệm tiếp tục giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
“Sau khi có kết luận của cơ quan công an, nhà trường tiến hành họp hội đồng kỷ luật, tiếp tục phối hợp với phụ huynh để giáo dục học sinh với quan điểm giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ và tạo cơ hội cho các em học sinh khắc phục khuyết điểm”, thầy Hùng chia sẻ.
Xử lý nghiêm khắc, giáo dục kịp thời
Thời gian vừa qua, nhiều vụ học sinh đánh nhau xảy ra ở các địa phương như TP Vinh, huyện Anh Sơn, Đô Lương, Quế Phong… đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường ở Nghệ An.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, sau khi các vụ việc xảy ra, Sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các trường học liên quan phối hợp với chính quyền địa phương, công an để xác minh làm rõ. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Sở sẽ chỉ đạo để xử lý một cách nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, Sở nhắc nhở các cơ sở giáo dục cần phối hợp với gia đình để sớm ổn định tâm lý cho các học sinh bị hành hung và có biện pháp giáo dục kịp thời đối với tất cả các học sinh.
Ngoài ra, Sở có văn bản chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn không chỉ là về vấn đề bạo lực học đường mà còn gồm tất cả các nội dung khác như an ninh, tệ nạn xã hội, phòng chống tai nạn, thương tích đuối nước...
Được biết, từ năm 2019, Nghệ An đã triển khai mô hình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh phổ thông trên địa bàn với mục đích đảm bảo sự thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội về nhận thức và hành động trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, đảm bảo cho học sinh có điều kiện phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực của bản thân nhằm thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới gia đình, nhà trường, các tổ chức chính trị - xã hội và mọi tầng lớp Nhân dân nhằm thống nhất quan điểm, nội dung và phương pháp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh; tăng cường mối quan hệ, phát huy vai trò và trách nhiệm của gia đình, cấp ủy chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành liên quan đối với hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Bên cạnh đó, huy động các lực lượng và nguồn lực của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường; xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến học sinh; tạo điều kiện để học sinh được học tập, vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh phù hợp với lứa tuổi.
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải phát huy hơn nữa các phòng tư vấn tâm lý ở các trường. Giáo viên, nhà trường và cha mẹ cần quan tâm nhiều đến các em hơn, sớm nắm bắt các biểu hiện tâm lý bất thường, động viên chia sẻ tạo cho các em một không gian của sự yêu thương, gắn kết, cho các em tham gia nhiều các hoạt động có ý nghĩa như hoạt động thiện nguyện, các câu lạc bộ văn hoá nghệ thuật các hoạt động thể dục thể thao, các bài học trải nghiệm về yêu chương, tinh thần trách nhiệm… Tất cả các biện pháp này sẽ góp phần quan trọng xây dựng văn hóa ứng xử tốt đẹp nơi trường học.
Bảo Trâm