Truyền thông Thái Lan nhấn mạnh ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ trở thành nhà lãnh đạo APEC đầu tiên tới Bangkok, và hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vào ngày 16/11, trước khi tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC (AELM) vào ngày 18/11.
Theo kênh tin tức ThaiPBS, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh dấu một dấu mốc mới trong mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Thái Lan. Hai nước đã đẩy mạnh các mối quan hệ từ đối tác chiến lược lên thành đối tác chiến lược tăng cường kể từ năm 2013.
Trong hoàn cảnh môi trường an ninh khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, Việt Nam và Thái Lan đang tìm kiếm cách tiếp cận mới để thắt chặt quan hệ hợp tác và hữu nghị song phương theo khuôn khổ Mekong và ASEAN nhằm đẩy mạnh nền hoàn bình và ổn định của khu vực.
Trước đây, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha từng gặp mặt trực tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mà khi đó đang giữ chức Thủ tướng Chính phủ tại thành phố Sochi của Nga trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga vào tháng 5/2016.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được ThaiPBS nhận định là cơ hội gặp mặt trực tiếp đặc biệt sau thời gian dài do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều cơ chế song phương phải tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Trong chuyến thăm 3 ngày tới Bangkok, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao gồm các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp. Việt Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch của Thái Lan nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, cùng mô hình kinh tế “Xanh-Tuần hoàn-Sinh học (BCG).
Là một quốc gia ở hạ lưu sông Mekong, Việt Nam trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển tiểu vùng sông Mekong như Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) đang được hồi sinh.
Việt Nam còn giữ vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật những thách thức của sông Mekong như quản lý nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học, di cư và trữ lượng cá, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam đã tăng cường sự tham gia từ bên ngoài với các đối tác đối thoại của ASEAN và cung cấp hỗ trợ cho tiểu vùng sông Mekong. Cụ thể, Mỹ đã đưa kế hoạch phát triển sông Mekong trở thành một phần quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của của nước này.
Trong những năm qua, khoản đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam đã tăng trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh gồm bất động sản, hóa dầu, năng lượng tái tạo, kinh doanh bán lẻ và chế biến thực phẩm.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Thái Lan và thứ 2 chỉ sau Malaysia trong khối ASEAN. Trong năm 2021, kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 19,4 tỉ USD, tăng 17,3% so với năm trước, với thặng dư thương mại là 5,6 tỉ USD.
Đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam hiện đứng thứ 8 với tổng số 644 dự án có trị giá hơn 13 tỉ USD. Trong khối ASEAN, khoản đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam hiện đứng thứ hai chỉ sau Singapore.
Về hợp tác an ninh, lực lượng hải quân Việt Nam và Thái Lan đã tiến hành giám sát bờ biển chung 2 lần/năm. Các quan chức quốc phòng cấp cao cũng thường xuyên tổ chức hội đàm song phương.
Tuy nhiên, một lĩnh vực mà Việt Nam và Thái Lan cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa là giảm thiểu đánh bắt cá bất hợp pháp.
Trong khi đó, du lịch trở thành lĩnh vực triển vọng của hai nước. Điển hình, trong nửa đầu năm nay, ít nhất 70.000 người Việt Nam đã đến thăm Thái Lan.
Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hai nước có 288 chuyến bay hàng tuần, chuyên chở gần 4.839 hành khách mỗi ngày, tương đương 50.970 hành khách mỗi tuần. Từ tháng 1 – 5/2022, tổng cộng 44.000 du khách Việt Nam đã đến thăm Thái Lan.
Việt Nam và Thái Lan đã thiết lập 14 cặp thành phố kết nghĩa bao gồm 10 tỉnh. Con số này chỉ đứng sau Trung Quốc với tổng số 42 cặp. Hiện có 1.500 người Thái Lan đang sinh sống ở Hà Nội, 500 người ở TP.HCM, và 1.000 người ở các thành phố lân cận. Trong khi đó, 1.200 – 1.300 công dân Việt Nam mà chủ yếu là sinh viên và doanh nhân đang sinh sống ở Thái Lan.
Minh Thu