Sự sâu sắc trong câu đối quyết bảo vệ chủ quyền ở đảo tiền tiêu

"Hữu nghị giao thương, thương cảng thịnh/ Xâm lăng khởi chiến, chiến trường nghênh"- Câu đối này được phục dựng lại, khắc ở đền thờ Trần Khánh Dư trên đảo Quan Lạn, Quảng Ninh.

Tháng 10/2013, PV Báo điện tử Infonet có dịp đến đảo Quan Lạn theo đoàn làm phim Những trang sử Biên Thùy do Bộ tư lệnh Biên Phòng phối hợp với hãng phim VFF (Đài Truyền hình Tp Hồ Chí Minh) thực hiện. Nơi ghi dấu lịch sử bảo vệ chủ quyền trên biển khiến chúng tôi không thể nào quên chính là đảo Quan Lạn. Đảo Quan Lạn nằm cách bến cảng Cái Rồng khoảng gần 1 giờ đi xuồng cao tốc.

Nhìn hòn đảo thanh bình, cuộc sống của người dân yên ả bên những ruộng lúa, những chuyến ghe, những cánh đồng và những bãi cát trải dài... ai biết rằng nơi đây đã từng là tuyến đầu chặn giặc phương Bắc với những trận chiến trên dòng sông Mang. Dấu tích lịch sử bảo vệ chủ quyền cũng đã bị phủ bụi thời gian. May mắn thay, chuyến đi này chúng tôi đã được gặp ông Phạm Quốc Duyệt, người gìn giữ lịch sử của đảo.

Ông Duyệt, sinh năm 1946, một người sinh ra và lớn lên trên đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), lại có nhiều năm làm cán bộ văn hóa ở đây. Bộ đội Biên phòng ở đây coi ông là “người giữ hồn của đảo” nên hễ có đoàn công tác nào đến tìm hiểu, hoặc quay phim về đảo là bộ đội biên phòng lại “tiến cử” ông.

Sự sâu sắc trong câu đối quyết bảo vệ chủ quyền ở đảo tiền tiêu - ảnh 1

Ông Phạm Văn Duyệt đang giải thích cho PV hiểu kỹ hơn về 3 tướng họ Phạm giúp Trần Khánh Dư đánh tan quân Nguyên trên dòng sông Mang (ảnh: Hồng Chuyên)

Ông Duyệt chia sẻ: “Tôi gắn bó với nơi này từ nhỏ, sau này làm cán bộ văn hóa của Quan Lạn nên tôi luôn mong muốn tìm hiểu và kể lại câu chuyện về di tích và lịch sử nơi này cho các con cháu nghe để lịch sử bảo vệ chủ quyền trên hòn đảo này không bị thất truyền”.

Đôi câu đối bất hủ thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo

Cuộc trò chuyện với ông Duyệt đã khiến chúng tôi hiểu về hòn đảo không chỉ giàu tiềm năng du lịch mà còn là chiến địa trong lịch sử, và bản thân nó cũng mang trong mình truyền thống, tinh thần bảo vệ chủ quyền mãnh liệt.

Bằng chứng mà ông Duyệt chỉ cho chúng tôi là cổng vào di tích Nghè thờ Thành hoàng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư trên đảo Quan Lạn, nơi có đôi câu đối mà ai đọc lên cũng hiểu. Câu đối như sau:

“Hữu nghị giao thương, thương cảng thịnh

Xâm lăng khởi chiến, chiến trường nghênh”

Ông Duyệt dịch nghĩa: Hữu nghị hòa hiếu buôn bán thì nơi đây sẽ là thương cảng thịnh vượng/ Nếu khởi động chiến tranh xâm lược thì đây sẽ là chiến trường nghênh đón.

Như vậy là mặc dù luôn chịu sự đe dọa xâm lăng từ giặc phương Bắc xưa nhưng chưa bao giờ người dân Việt chịu khuất phục, đầu hàng. Câu đối thể hiện mong ước được sống hòa bình để có thương cảng thịnh vượng, có lợi cho cả khu vực, nhưng nếu giặc xâm lăng mảnh đất này thì đây sẽ sẵn sàng trở thành chiến trường nghênh đón.

Sự sâu sắc trong câu đối quyết bảo vệ chủ quyền ở đảo tiền tiêu - ảnh 2

Ông Phạm Quốc Duyệt đang chỉ vào vế thứ 2 của câu đối (Ảnh: Hồng Chuyên)

Theo ông Duyệt, câu đối này thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền của người dân nơi đây và cũng là truyền thống bao đời của cư dân Việt. Ông Duyệt đã tìm thấy câu đối này từ nền đình chùa cũ, đến khi trùng tu xây dựng nghè thờ Trần Khánh Dư thì ông đã đề xuất đưa vào đắp vẽ.

Trận đánh huyền thoại trên dòng sông Mang 

Như để minh chứng cho ý nghĩa của 2 câu đối bất hủ trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc, ông Duyệt đã kể cho chúng tôi nghe về truyền thống bảo vệ chủ quyền của người dân nơi đây.

Ông Duyệt kể, Thương cảng Vân Đồn được thành lập vào năm Kỷ tỵ, niên hiệu Đại Định thứ 10 đời vua Lý Anh Tông (1136-1175), nhà Lý (vào khoảng tháng 2/1149). Sau khi vua Lý ra chỉ lập trang để thông thương, đến đời nhà Trần hoạt động này càng phát triển thịnh vượng đến mức năm 1345, triều đình phải chuyển Trang tành Trấn xây dựng đồn bốt, có quân đội bảo vệ, thương cảng kiểm tra nghiêm ngặt, tàu từ phía Đông phải qua đồn Cái Cổng, đồn Con Quy. Tàu từ phía Nam hoặc từ đất liền đi ra phải trình diện qua đồn Nhà Giấy (ngày nay, cư dân vẫn gọi là Đồi Trình). Thương cảng phồn thịnh cho đến cuối nhà Lê, đầu triều Nguyễn.

Đặc biệt, năm 1288, trong không khí sục sôi cả nước kháng chiến chống Nguyên Mông, nơi đây đã chứng kiến trận đánh hào hùng của Tướng thủy quân nhà Trần Trần Khánh Dư tiêu diệt 100 chiến thuyền vận chuyển 70 vạn hộc lương cùng với khí giới của quân Nguyên trên luồng sông Mang (phòng tuyến Vân Đồn). Trận chiến này đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 9/4/1288.

Trận chiến ấy cũng được ông Duyệt kể mạch lạc, vừa kể ông vừa chỉ cho chúng tôi xem từng vị trí được ghi trong sử sách với dòng sông Mang huyền thoại giờ vẫn còn là dòng chảy trên biển khu vực vịnh Bái Tử Long, có 2 dãy núi tạo thành bờ.

Khi quân Nguyên kéo vào nước ta, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã chủ động đưa quân dân nhà Trần ra khỏi Thăng Long, thực hiện kế “vườn không nhà trống”. Do khí hậu không phù hợp, bệnh dịch nhiều, ốm đau bệnh tật, quân lính ngày nào cũng bị chết trận, cộng với thiếu lương thực trầm trọng, tướng Nguyên đã thỉnh cầu triều đình phương Bắc tiếp viện lương thực, khí giới. Triều đình Nguyên cử tướng Trương Văn Hổ chỉ huy 100 chiến thuyền chở 70 vạn hộc lương cùng với khí giới xuống tiếp viện. Đây là lực lượng hậu cần chủ yếu của quân Nguyên tại nước ta.

Thấy điểm yếu của giặc, quân dân Đại Việt tổng tiến công nhiều phía, quân giặc phải co cụm về Thăng Long. Trong lúc đó, đoàn thuyền của Trương Văn Hổ lênh đênh trên biển khoảng 3 ngày thì đến Đồn Sơn (thượng lưu sông Mang). Dưới sự chỉ huy tài tình, thao lược của phó tướng Trần Khánh Dư, quân dân nhà Trần chặn đánh tại điểm Còn Sàng- Cổng Cái, chỉ trong thời gian ngắn diễn ra trận chiến ác liệt khiến 100 chiến thuyền và toàn bộ lương thực của quân Nguyên bị dìm xuống đáy biển, tiêu diệt rất nhiều quân địch, số còn lại bơi về cửa Lục thì bị tướng quân Trần Quốc Tảng tiêu diệt toàn bộ.

Như nối tiếp mạch nguồn truyền thống ấy mà những năm chống Mỹ, đã có rất nhiều người thanh niên, con của đảo Quan Lạn cầm súng lên đường ra trận và đã có nhiều liệt sĩ nằm lại chiến trường không trở về.

Gần đây, đất nước xảy ra biến cố thì câu chuyện về trận chiến trên dòng sông Mang huyền thoại, về câu đối yêu chuộng hòa bình, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Quan Lạn là một hòn đảo nằm trên vịnh Bái Tử Long miền bắc Việt Nam. Trên đảo có 2 xã thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đó là xã Quan Lạn và xã Minh Châu. Đảo Quan Lạn nằm trong vườn quốc gia Bái Tử Long, thuộc tuyến đảo Vân Hải, vòng ôm lấy rìa phía Đông của vịnh Bái Tử Long, thương cảng Vân Đồn đặt tại chính đảo này. Trên đảo có đình Quan Lạn (chữ Hán trong đình ghi là Quang Lạn) trong đó có thờ Lý Anh Tông là người ra quyết định thành lập thương cảng Vân Đồn.

Năm 1288, quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Trần Khánh Dư và 3 anh em họ Phạm đã kịch chiến với đoàn thuyền của Trương Văn Hổ và tiêu diệt đoàn thuyền này. Hiện có đền thờ 3 anh em họ Phạm và đền thờ (nghè) Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hồng Chuyên

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !