Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định bất chấp thách thức
Trong bài phát biểu trước Quốc hội vào tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tái khẳng định rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt kỳ vọng trong năm nay với mức tăng GDP là 8%.
Trên thực tế, Việt Nam là một trong số ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế khả quan trong thời kỳ đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt khi tăng 2,6% so với năm 2021.
Điều gì đang giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định và đạt được những con số tăng trưởng khả quan như vậy? Câu trả lời là có 3 yếu tố chính: đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường thương mại và mức lương cạnh tranh.
Theo Vietnam Briefing, về đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Việt Nam chi khoảng 6% GDP cho cơ sở hạ tầng. Đây là một trong những mức chi cao nhất cho cơ sở hạ tầng trong khu vực ASEAN. Những hạng mục lớn phải kể đến gồm đường cao tốc TP HCM – Hà Nội dài 1.800 km đầy tham vọng; sân bay quốc tế Long Thành; các dự án tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP HCM, cũng như các nhà máy nhiệt điện và rác thải thành năng lượng.
Về môi trường thương mại toàn cầu, trong những năm qua, cho Tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất và quyền của người lao động được đảm bảo khi thi hành các hiệp định thương mại đã giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và mở rộng cơ sở xuất khẩu.
Điển hình, hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam bất chấp đại dịch Covid-19.
Hay như vào năm 2021, hiệp định thương mại tự do giữa Vương quốc Anh và Việt Nam (UKVFTA) đã giúp thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Anh đạt gần 6,6 tỉ USD.
Mức tăng tương tự cũng được ghi nhận với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với số lượng lớn hàng hóa được xuất khẩu sang Canada và Mexico.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam cởi mở, và chính phủ có nhiều chính sách thân thiện với nhà đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư và phát triển kinh tế xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam còn là mức lương cạnh tranh. Trung Quốc được biết đến là quốc gia thống trị ngành sản xuất, nhưng do mức lương tăng, nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển hoạt động sang duy trì lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất chi phí thấp.
Dù vẫn cần phát triển lực lượng lao động lành nghề, Việt Nam còn có một lực lượng lao động trẻ, năng động sẵn sàng lấp đầy khoảng trống. Lực lượng lao động trẻ cũng có chi phí lương tương đối thấp hơn.
Một khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, tiền lương của người lao động cũng sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, việc xăng dầu tăng giá và tình trạng lạm phát chính là thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược do nhu cầu chậm lại, lạm phát gia tăng và hoàn cảnh địa chính trị.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng của S&P Global vốn dùng để đo lường hoạt động sản xuất tại Việt Nam đã giảm xuống 50,6 trong tháng 10 từ mức 52,5 của tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2021. Chỉ số từ 50 trở lên cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng.
Dù đồng Việt Nam đã mất giá 9,1% so với đô la Mỹ kể từ đầu năm 2022, nhưng mức giảm giá của đồng tiền Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước khác. Và ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng lãi suất để giải quyết lạm phát.
Xét về triển vọng tương lai, Việt Nam được nhận định sẽ tăng trưởng ổn định bất chấp thách thức. Cụ thể, FDI đổ vào Việt Nam trong 10 tháng năm nay là 17,5 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Phòng Thương mại Châu Âu, FDI đang giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ môi trường thương mại và lao động của Việt Nam. Điều này vẫn xảy ra mặc dù nhiều nhà máy từ dệt may, giày dép đến đồ nội thất không hoạt động do nhu cầu giảm ở các thị trường phương Tây.
Minh Thu