Yên Bái đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống buôn bán người
Phóng viên Infonet đã có buổi phỏng vấn Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái Hoàng Phương Thúy về công tác phòng chống buôn bán người tại địa phương.
Là một trong những tổ chức chính trị tham gia tích cực vào công cuộc phòng chống buôn bán người, bà có nhận định như thế nào về tình trạng này tại Yên Bái?
Bà Hoàng Phương Thúy: Tình trạng buôn bán người trong thời gian vừa qua và giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang có những diễn biến phức tạp. Lý do là vì sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động của người dân dần đi vào ổn định. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người rời khỏi địa phương để đi làm ăn. Một trong những vấn đề liên quan là người dân đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ chính là vấn đề liên quan đến mua bán người.
Đối với Yên Bái, trong thời gian gần đây nổi lên tình trạng xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia. Đã có 36 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Campuchia và hầu hết được giải cứu. Rất đau buồn là có trường hợp đã chết tại Campuchia.
Do đó, công tác phòng chống buôn bán người là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với các cấp chính quyền cũng như tổ chức hội trên địa bàn của tỉnh.
Xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã làm những gì để góp phần hạn chế tình trạng này, thưa bà?
Bà Hoàng Phương Thúy: Chúng tôi cũng xác định làm thế nào để tăng cường đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các chính sách về phòng chống mua bán người đến với người dân dễ hiểu, dễ nhớ và hiểu được những cái liên quan đến chính bản thân họ.
Ví dụ muốn đi làm ăn ở nơi nào đó không rõ địa chỉ phải có thủ tục khai báo, có thông tin để khi cần có thể liên hệ với gia đình. Hay đi lao động ở nước ngoài phải có những thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh, tuân thủ thủ tục quy định nói chung để làm thế nào bảo vệ quyền và lợi ích cho cá nhân họ tránh bị rủ rê, trở thành nạn nhân hay xuất cảnh trái phép qua con đường tiểu ngạch mà không chính thống.
Hội phụ nữ cũng đã có những cách thức để truyền thông dễ hiểu nhất, ngắn gọn nhất cho hội viên phụ nữ, các tầng lớp phụ nữ ở trên địa bàn của tỉnh để các chị hiểu được thế nào là xuất cảnh trái phép, làm thế nào không bị đối tượng lạ lừa, dụ dỗ… Trong trường hợp có sang các nước láng giềng để lao động thì cũng đến các cơ quan chức năng làm hộ chiếu hoặc các thủ tục pháp lý cần thiết. Đây là những điều kiện cần, giúp người dân có những căn cứ pháp lý để bảo vệ bản thân.
Tóm lại, chúng tôi tuyên truyền phổ biến để giúp chị em phụ nữ có kiến thức cơ bản về phòng chống mua bán người.
Từng tham vấn, hỗ trợ nhiều nạn nhân buôn bán người trở về tại địa phương, bà nhận thấy nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là gì?
Bà Hoàng Phương Thúy: Theo tôi, gốc rễ của mua bán người xuất phát từ điều kiện chủ quan, khách quan. Trong đó nguyên nhân khách quan từ điều kiện kinh tế địa phương, nhưng chủ yếu từ những yếu tố chủ quan như: mâu thuẫn trong gia đình gây ra bạo lực cũng chán, dễ trở thành nạn nhân; hay kinh tế eo hẹp khó khăn, cũng rất dễ bị lừa đi làm ăn và rồi trở thành nạn nhân buôn bán người. Ngoài ra, do phong tục, tập quán, yếu tố văn hoá cũng tác động gây ảnh hưởng.
Bên cạnh việc tham gia tuyên truyền phòng ngừa thì Hội có những hỗ trợ gì cho nạn nhân được giải cứu trở về địa phương?
Bà Hoàng Phương Thúy: Chúng tôi làm những gì tốt nhất tại chỗ có thể hỗ trợ cho chị em như: động viên chia sẻ, đặc biệt là hỗ trợ sinh kế - cho chị em vay vốn, kêu gọi các tổ chức, thực hiện các dự án tặng bò, tạo công ăn việc làm giúp họ thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Khi kinh tế ổn định, không còn đói nghèo thì chị em yên tâm ở nhà trồng trọt, chăn nuôi mà không dễ bị dụ dỗ, rủ đi kiếm tiền.
Theo bà, cần làm gì để hạn chế tối đa tình trạng buôn bán người này?
Bà Hoàng Phương Thúy: Theo tôi nghĩ Hội phụ nữ không làm tất cả được. Hội chỉ động viên vỗ về chị em, hỗ trợ sang chấn tâm lý ban đầu, may mắn hơn thì kêu gọi tài trợ từ các dự án… chứ không thể làm tất được. Do đó, cần phải có sự tham gia của các cấp các ngành, ban hành cơ chế thống nhất từ tỉnh xuống cơ sở. Hơn nữa cần phân định cụ thể nhiệm vụ các cấp các ngành trong công tác phòng, chống buôn bán người.
Đặc biệt, hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực này còn nhiều khoảng trống. Nghị định, Thông tư của Luật phòng chống buôn bán người phải được thực hiện nghiêm. Theo đó, cần xét xử công khai những vụ mua bán người cho những người khác đang nhen nhóm họ biết sợ. Có như thế mới tạo thành hệ thống những giải pháp căn cơ, làm tốt hơn công tác phòng chống mua bán người.
Việc hỗ trợ công tác phòng, chống buôn bán người ở địa phương hiện nay thế nào, thưa bà?
Bà Hoàng Phương Thúy: Trên thực tế số lượng nạn nhân buôn bán người được giải cứu về theo con đường hợp pháp vẫn còn ít và chưa kịp thời. Hầu hết, các vụ án cần đảm bảo yếu tố bí mật phục vụ công tác điều tra nên số liệu ít công khai khi chưa phá án.
Mặt khác, còn có nạn nhân bị lừa đã về nước bằng đường tiểu ngạch, chưa dám khai báo, không đầy đủ giấy tờ, hồ sơ để được công nhận là nạn nhân. Những yếu tố này vẫn đang là những thách thức, những khoảng trống trong công tác tuyên truyền và hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn bán người.
Do đó, chúng tôi luôn mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những dự án hỗ trợ nạn nhân triển khai tại các địa bàn. Đặc biệt là hỗ trợ tích cực và hiệu quả hơn cho các hoạt động truyền thông tương tác, các nhóm nhỏ đặc thù, truyền thông trên các trang thông tin và mạng xã hội chính thống… để nâng cao năng lực phòng ngừa cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xin cảm ơn bà.
N. Huyền (thực hiện)