Nghe theo lời hứa "việc nhàn, thu nhập cao", người phụ nữ bị đồng hương lừa bán
Công an huyện Tương Dương (Nghệ An) vừa khởi tố đối tượng Lương Thị Năm (SN 1983, trú tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương) về tội “Mua bán người”.
Trước đó, Công an huyện Tương Dương tiếp nhận tin trình báo của chị L.T.T. (SN 1981, trú xã Tam Đình, huyện Tương Dương) tố cáo bị Lương Thị Năm dụ dỗ sang nước ngoài làm việc vào năm 2013 với lời hứa “việc nhàn, thu nhập cao” nhưng thực chất là bán chị T. cho một người đàn ông xứ người với giá 4 vạn nhân dân tệ (tương đương 120 triệu đồng). Ngay sau đó, đơn vị này đã xác lập chuyên án để đấu tranh.
Quá trình điều tra, ngày 26/12/2022, lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ đối tượng Lương Thị Năm về hành vi mua bán người.
Hiện, Công an huyện Tương Dương đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, xử lý Lương Thị Năm theo quy định pháp luật.
Tương Dương là 1 trong 4 huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An. Phía Bắc và Tây Bắc, Nam và Tây Nam huyện giáp nước Lào, có địa hình hiểm trở, có nhiều núi cao và bị chia cắt bởi các con sông, tạo nên nhiều thung lũng nhỏ hẹp.
Công an Nghệ An cho biết, ở Nghệ An, nạn mua, bán người đã và đang diễn ra; tập trung ở khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có 6 huyện biên giới đường bộ trong đó có huyện Tương Dương và 5 huyện biên giới biển và một số địa phương miền núi.
Do đời sống kinh tế và nhận thức của người dân ở những khu vực này còn thấp; sinh kế khó khăn. Người dân thường có xu hướng thoát ly khỏi địa phương để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn. Đây chính là điều kiện mà tội phạm mua, bán người thường lợi dụng để hoạt động.
Cảnh giác với "việc nhẹ, lương cao"
Cơ quan chức năng khuyến cáo, để không bị mắc bẫy, bị lừa gạt tội phạm mua bán người thì người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn.
Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.
Những kẻ môi giới tổ chức cho những người ở Campuchia chụp ảnh các buổi tiệc, toà nhà sang trọng gửi về Việt Nam làm "mồi nhử" với viễn cảnh sang đó sẽ có "việc nhẹ lương cao".
Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phát hiện, bắt giữ, khởi tố 14 vụ mua, bán người với 24 bị can, giải cứu 14 nạn nhân là bị hại của các vụ mua, bán người; giải cứu 29 người nghi là nạn nhân (chưa có cơ sở xác định vì do người dân tự liên hệ ra nước ngoài lao động và bị bóc lột lao động).
Bộ Công an cũng đã từng phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều lao động Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia với chiêu trò dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao". Người nào muốn được về phải gọi điện cho người thân ở Việt Nam nộp tiền chuộc.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, những nạn nhân khai đã bị dụ bởi quảng cáo trên mạng về công việc lương 800-1.000 USD mỗi tháng. Nhiều người đã bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn khỏi nơi làm việc, giam giữ.
Sáu tháng đầu năm 2022, Công an Việt Nam phối hợp với nhà chức Campuchia giải cứu hơn 250 người bị lừa đi lao động trái phép.
Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản tập trung ở các khu như Bà Vẹt, tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay, tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile, tỉnh Preah Shihanouk; Chrey Thom, tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompênh.
Bộ Công an đề nghị người dân dân cảnh giác trước các lời mời gọi qua Campuchia làm "việc nhẹ lương cao", không mất chi phí đi lại. Trước khi đi làm cần tìm hiểu kỹ về điểm đến, nhân thân người giới thiệu.
Việt Hòa