Hà Giang: Phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy buôn người
Đại tá Hoàng Anh Đức, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Giang cho biết, các đối tượng mua bán người (MBN) thường lợi dụng mạng xã hội (như zalo, Facebook, WeChat…) hoặc thông qua các mối quan hệ xã hội để tiếp cận, làm quen, hứa hẹn đưa nạn nhân sang Trung Quốc làm thuê với thu nhập cao hoặc lấy chồng giàu có… Nhưng thực chất là lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc.
Hầu hết các nạn nhân của vụ án MBN sau khi bị các đối tượng đưa ra nước ngoài mới biết mình bị lừa bán. Nạn nhân của tội phạm MBN chủ yếu là phụ nữ các dân tộc thiểu số (dân tộc Mông) có tuổi đời từ 16 đến 30 tuổi, trình độ nhận thức còn hạn chế dễ bị các đối tượng lừa gạt, dụ dỗ.
Đại tá Hoàng Anh Đức cho rằng nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh tội phạm MBN là do chính sách dân số ở một số nước trong khu vực dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính, tỷ lệ nam nhiều hơn nữ, nên số nam giới không có khả năng lấy vợ ở trong nước nên phải tìm cách lấy vợ từ nước khác (trong đó có Việt Nam).
Tuyến biên giới tỉnh Hà Giang từng có rất nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới thuận lợi, nhân dân hai bên biên giới thường xuyên qua lại để thăm thân, khám chữa bệnh, trao đổi hàng hóa nên các đối tượng đã lợi dụng để lừa bán phụ nữ qua biên giới. Điều kiện kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới tỉnh Hà Giang còn chậm phát triển, thiếu đất canh tác, nhu cầu việc làm cao; trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm mua bán người của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế. Phong tục tập quán lạc hậu (như tục bắt vợ…), nhẹ dạ, cả tin nên dễ bị bọn tội phạm mua bán người dụ dỗ, lừa gạt.
Một số đối tượng lười lao động, thích ăn chơi, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật, coi con người như là một loại hàng hóa để buôn bán nhằm thu lợi bất chính. Đại tá Hoàng Anh Đức cho biết, trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm MBN trên tuyến biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm kịp thời đấu tranh với hoạt động của tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán.
Từ năm 2021 đến nay, BĐBP tỉnh Hà Giang đã phát hiện, ghi nhận 10 vụ việc liên quan đến hoạt động của tội MBN. Xác lập và đấu tranh thành công 6 chuyên án, bắt giữ 11 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 7 phụ nữ. Tiếp nhận lực lượng chức năng Trung Quốc giải cứu 3 phụ nữ.
Đại tá Hoàng Anh Đức cho rằng, quá trình đấu tranh với hoạt động của tội phạm MBN, BĐBP tỉnh Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là tội phạm MBN chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã gặp nhiều khó khăn. Khi đã có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ ràng, bởi đa số các vụ án, vụ việc xảy ra ở nước ngoài, xảy ra đã lâu mới bị phát hiện, đối tượng và nạn nhân ở nước ngoài hoặc không thể xác minh, xác định, chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân.
Công tác điều tra tội phạm mua bán người chủ yếu là tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bắt quả tang. Một số vụ việc, hành vi được các đối tượng thực hiện ở nước ngoài hoặc sử dụng sim rác, lợi dụng các trang mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân do đó việc thu thập thông tin, tài liệu rất khó khăn. Một số vụ án MBN đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội nhưng chưa giải cứu được nạn nhân thì cũng chưa đủ căn cứ để khởi tố điều tra theo quy định.
Đa số các vụ án MBN trên địa bàn tỉnh Hà Giang nạn nhân là phụ nữ dân tộc thiểu số, nhận thức, học vấn còn hạn chế, một số trường hợp không nói được tiếng phổ thông nên rất khó khăn cho việc phỏng vấn, khai thác thông tin. Có trường hợp mặc cảm, tự ty không hợp tác với lực lượng chức năng, không tố giác tội phạm nên đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm MBN trong thời gian tới, BĐBP tỉnh Hà Giang tập trung tham mưu cho các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với công tác phòng, chống MBN. Cần phải xác định rõ công tác phòng, chống MBN là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống MBN.
Tham mưu cho chính quyền địa phương có chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, hạn chế thấp nhất điều kiện nảy sinh tội phạm MBN. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả truyền thông về luật phòng chống MBN, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN trên các phương tiện thông tin đại chúng, nội dung tuyên truyền phải cụ thể, rõ ràng phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, từng đối tượng.
Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống MBN, nhất là với lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới, kịp thời trao đổi thông tin và phối hợp đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán người hoạt động xuyên biên giới; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu nạn nhân bị mua bán.
Mai Anh