Thanh niên ở Thái Bình lừa đưa 4 người sang Campuchia rồi ép nộp tiền chuộc thân có dấu hiệu phạm tội buôn bán người, bị xử lý thế nào?
Luật sư cho rằng, hành vi của Tân đã vi phạm về tội mua bán người được quy định tại điều 150 của Bộ luật Hình sự; nếu người bị lừa dưới 16 tuổi, Tân còn bị xử lý theo Điều 151 của Bộ luật Hình sự.
Ngày 9/8, trao đổi với PV Infonet, một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nhữ Thành Tân (SN 1999, ở xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.
Sau khi bị bắt, nam thanh niên sinh năm 1999 khai nhận, bắt đầu từ tháng 12/2021, đối tượng đã tổ chức cho 4 công dân ở trong và ngoài tỉnh xuất cảnh trái phép qua khu vực biên giới tỉnh Long An sang Campuchia lao động trái phép.
Thủ đoạn của Nhữ thành Tân là sử dụng tài khoản facebook đăng tải các bài viết có hình ảnh liên quan đến công việc Tân đang làm là “việc nhẹ, lương cao”, chỉ làm trên máy vi tính, lương mỗi tháng từ 700 USD - 1500 USD, được chủ bao ăn, ở và lo chi phí đi Campuchia, thậm chí làm tốt còn được thưởng.
Đối tượng Nhữ Thành Tân tại cơ quan công an. |
Sau khi theo Tân sang Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng, bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị bắt lại đánh đập, ngược đãi, bán sang các cơ sở khác.
Nói về việc nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm này, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình đề nghị: “Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật cụ thể về địa điểm cơ sở kinh doanh, ngành nghề nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.
Ngoài ra, người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi, dụ dỗ sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo ngay cho người thân, gia đình và trình báo cho cơ quan công an nơi gần nhất kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
Luật sư Đặng Xuân Cường trao đổi với PV Infonet. |
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty Luật TAT Law firm nhận định: ''Việc Cơ quan công an tỉnh Thái Bình nhanh chóng vào cuộc, khởi tố vụ án điều tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng Nhữ Thành Tân là hết sức khẩn trương và vô cùng cần thiết.
Hoạt động của cơ quan công an là chiếc phao cứu sinh cho những nạn nhân, giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh nguy hiểm hiện nay.
Có thể nói, hành vi mà đối tượng Nhữ Thành Tân bản chất là hành vi lừa người qua biên giới để thực hiện các công việc bất hợp pháp''.
Luật sư phân tích và nêu quan điểm: Đối tượng đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật khiến cho các nạn nhân tin tưởng và từ đó thực hiện theo sau đó trục lợi. Hành vi của đối tượng không những vi phạm pháp luật hình sự của Nhà nước mà còn thể hiện sự táng tận lương tâm khi nhẫn tâm đẩy nạn nhân và người nhà họ vào hoàn cảnh éo le, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm khắc hành vi của đối tượng Tân để làm bài học cảnh báo cho các nạn nhân cũng như răn đe các đối tượng hiện đang có ý định lừa đảo người qua biên giớ vi thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.
Qua thông tin ban đầu về vụ việc, ngoài hành vi Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép của Nhữ Thành Tân đã thực hiện thì sau khi đưa thành công người quan biên giới, đối tượng này có hành vi ngược đãi, đánh đập… bán sang các cơ sở khác mà Nhữ Thành Tân lừa được là trái phát pháp luật.
Như vậy, hành vi của Tân đã vi phạm về tội "Mua bán người'' được quy định tại điều 150 của Bộ luật Hình sự hiện hành. Ngoài ra, tùy vào đội tuổi của người bị lừa, nếu nạn nhân dưới 16 tuổi, Tân còn bị xử lý theo Điều 151 của Bộ luật Hình sự.
Quy định tại khoản 1 Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nêu: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác nhằm thực hiện các hành vi như chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này thì có thể bị phạt tù từ 5 - 10 năm.
Mức phạt tù có thể từ 8 - 20 năm nếu thuộc các trường hợp tại khoản 2, khoản 3 Điều 150. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản''.
Còn theo Điều 151 Tội mua bán người dưới 16 tuổi thì người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 7- 12 năm: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12- 20 năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội; Đối với từ 2 người đến 5 người; Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phạm tội 02 lần trở lên; vì động cơ đê hèn; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 18 - 20 năm hoặc tù chung thân: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Làm nạn nhân chết hoặc tự sát; Đối với 6 người trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Sông Yên