Trung bình người già mắc 6-9 bệnh, cần có chiến lược chăm sóc y tế cho người cao tuổi
Theo TS Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện Lão Khoa trung ương, già hoá dân số đang là vấn đề trên toàn cầu. Từ năm 2010 dân số già tăng lên nhanh. Tại Việt Nam người trên 60 tuổi trở lên thì từ năm 1979 chỉ chiếm 3,7 triệu người, năm 2012 lên 9,3 triệu và đến 2035 là 21,6 triêu người chiếm 19,3% dân số. Nhất là tỷ lệ người trên 80 tuổi. Người ta dự kiến đến năm 2039 của 2, 78% dân số từ 80 tuổi trở lên. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già hoá, tỷ lệ tăng lên nhanh nhất là từ năm 2011.
Theo TS Trung Anh dân số già với quần thể không đồng nhất, người già khoẻ mạnh sống trong gia đình và cần được trang bị sức khoẻ. Còn lại phần đông người già mắc nhiều bệnh và các hội chứng lão khoa phối hợp nên nhu cầu cho ngành lão khoa từ bác sĩ tới điều dưỡng rất lớn.
Nhiều nhóm già cần sự hỗ trợ của chuyên ngành lão khoa, các bệnh viện lão khoa, cơ sở dưỡng lão. Tuy nhiên, nhu cầu của bệnh nhân cao tuổi rất đa dạng khi bệnh cần điều trị từ cấp tính tới mãn tính. Nhiều người già cần chăm sóc giảm nhẹ.
Bác sĩ Trung Anh cho biết ngay cả trong cuộc sống, người già cũng cần phục hồi chức năng, môi trường thân thiện vì người cao tuổi luôn là đối tượng yếu thế trong xã hội, dễ bị kỳ thị. Người già cũng cần chăm sóc dinh dưỡng.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa trung ương gần đây đối với 600 người già trên 80 tuổi tại Sóc Sơn, Hà Nội, trung bình 1 người già mắc 6 đến 9 bệnh từ cơ xương khớp, tim mạch, sa sút trí tuệ, bệnh về mắt.
Người già sống goá bụa chiếm 33% , sống 1 mình chiếm 17%, thu nhập trung bình 500 nghìn đồng/tháng, 62% người có BHYT, 2, 9% người già cần sự trợ giúp trong sinh hoạt. 90% người cao tuổi cần sự trợ giúp khi sinh hoạt cần công cụ như tham gia giao thông, sử dụng điện thoại, nấu ăn…
Với dân số già tăng nhanh như hiện nay cũng là thách thức cho ngành y tế làm gia tăng bệnh mãn tính như mạch vành, tăng huyết áp, bệnh thoái khớp, sa sút trí tuệ. Tất cả các bệnh này đều phải điều trị suốt đời.
Người già còn các hội chứng đặc trưng rối loạn dáng đi, suy dinh dưỡng, trầm cảm, lú lẫn, đa bệnh lý nhưng không có triệu chứng điển hình. Nhiều bệnh uống nhiều thuốc nên tai biến trong điều trị tăng lên.
Người già cũng giảm các chức năng hoạt động hàng ngày, mất tính độc lập trong hoạt động chức năng nên gây tàn phế cao. Nhiều người cao tuổi sống ở nhà bình thường nhưng thay đổi môi trường dễ bị ảnh hưởng. Nhiều cụ chuyển nhà không ngủ được, sa sút sức khoẻ.
Chi phí y tế cho người già cao 7 đến 10 lần so với người trẻ, xu hướng tử vong tăng lên, dịch vụ chăm sóc người già hiện nay cũng là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp quan tâm
Trong khi đó, TS Trung Anh cho rằng khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người già còn hạn chế. Ví dụ có BV Lão khoa Trung ương, 1 số khoa lão ở BV Đa khoa tỉnh, hệ thống nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế và không có chăm sóc y tế còn thiếu rất nhiều, chưa phù hợp với môi trường và tính đặc trưng tại cộng đồng. Gần đây trong cộng đồng có hệ thống bác sĩ gia đình cũng triển khai được nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi nhưng chưa đủ nhu cầu, chưa có điều phối mạng lưới lão khoa để hiệu quả hơn. Đây là thách thức rất lớn.
Thiếu nhân lực được đào tạo, thiếu điều dưỡng về lão khoa, đặc biệt là trong kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Nhân lực chăm sóc người già càng giảm, chủ yếu là chăm sóc trong gia đình.
TS Trung Anh cho rằng chuyên ngành lão khoa đòi hỏi nhiều chuyên môn, cần bác sĩ nội khoa, tâm thần, y học gia đình, bác sĩ phục hồi chức năng. Do đó, ông cho biết cần tổ chức phòng khám lão khoa ở khoa khám bệnh của tất cả các bệnh viện.
Y tế cơ sở cũng cần nhân lực hướng dẫn người già tuyên truyền chăm sóc y tế tại nhà, tổ chức khám bệnh mãn tính như tiểu đường, sa sút trí tuệ, phát hiện và dự phòng yếu tố nguy cơ gây tàn phế ở người cao tuổi. Đặc biệt, phát triển mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ở cộng đồng vì xu hướng người già chăm sóc ở cộng đồng càng lâu càng tốt.
Khánh Chi