Cảnh giác hít, sặc thức ăn ở người già trong dịp lễ, Tết
Mới đây, Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM) đã cấp cứu cho một người đàn ông ngoài 60 tuổi (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) được người nhà chuyển đến trong tình trạng tím tái, thở ngáp cá.
Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân bị hóc bánh trung thu. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành thủ thuật Heimlich (đẩy bụng) để tống xuất bánh trung thu và nhiều đàm nhớt ra khỏi đường thở bệnh nhân. Tổng thời gian thực hiện chỉ kéo dài 15 giây.
Rất may nhà bệnh nhân gần bệnh viện. Khi con trai thấy ông bị hóc bánh trung thu nên đã nhanh chóng chở qua bệnh viện bằng xe máy và được sơ cứu kịp thời. Nếu bệnh nhân đến trễ 1-2 phút thì sẽ chết não, không thể cứu sống được. Ở bệnh nhân này dù đã được cấp cứu nhưng hiện bệnh nhân có biến chứng viêm phổi hít, cùng với đó là mắc nhiều bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não... nên được điều trị tích cực tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, vào các dịp lễ, Tết các bác sĩ cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân là người già bị các “tai nạn”như hóc thức ăn.
Ví dụ như bệnh nhân Nguyễn T. Đ. (SN 1933, ngụ tại Bình Tân, TP.HCM) vào cấp cứu trong tình trạng hóc măng khô do gia đình có tiệc giỗ. Sau khi ăn vào người bệnh bị hóc, sặc phải vào cấp cứu.
Hay như bệnh nhân N.C.N., (sinh năm 1929, ngụ P.5, Q.Tân Bình, TP.HCM) được con cháu đưa tới bệnh viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp. Theo gia đình, cụ N. đang ăn bánh giò thì bị nghẹn. Ngay lập tức, ê-kíp trực cấp cứu đã phải đặt nội khí quản để cứu sống bệnh nhân.
PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, cũng cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bị hít sặc, chiếm đa số do chăm sóc tại nhà (trung bình 5 ca/tháng) dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong. Ở người lớn tuổi, nguy cơ hít sặc xảy ra nhiều hơn. Hít sặc cũng là di chứng của đột quỵ nhồi máu não.
Theo BS Dũng, khoảng 52% trường hợp xảy ra sau đột quỵ cấp. Hít sặc, mắc dị vật đường thở ở người cao tuổi đặc biệt nguy hiểm vì hệ hô hấp, đường thở của họ thường đã yếu, lão hóa. Vì vậy, rất dễ dẫn đến biến chứng viêm phổi hít, nhiễm trùng gây tử vong dù đã được nội soi lấy dị vật ra ngoài. Một nguy hiểm nữa khi hít sặc là dịch vị dạ dày tràn vào, có tính a xít sẽ gây tổn thương rộng đường hô hấp.
Theo BS Tăng Tuấn Phong – Khoa Cấp cứu, BV Đại học Y Dược TP.HCM, ở người già phản xạ nuốt của họ đã chậm. Nhất là các bệnh nhân đã từng bị tai biến mạch máu não thì chức năng nhai, nuốt của họ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trong khi đó, nhiều người già được con cháu bón cho ăn họ lại ngại. Tâm lý của họ lo con cháu bận rộn, ngại làm phiền nên cố gắng nuốt nhanh hơn dẫn tới sặc nghẹn.
Bên cạnh đó, tai nạn còn hay xảy ra vì trong bữa cơm ngày tết được gặp con cháu sum vầy rất vui, mọi người vừa ăn vừa cười đùa, nguy cơ bị sặc cao hơn bình thường.
Một số gia đình chia sẻ với bác sĩ, ngày thường, nhà có người giúp việc nên chăm chút cha mẹ già kỹ hơn, nấu những món riêng cho các cụ. Thế nhưng, vào dịp tết, ngày lễ, người giúp việc nghỉ về quê, nhà neo người không nấu nướng được nhiều. Vì thế, ông bà ăn những món chung cùng với gia đình như bánh chưng, xôi… là món cổ truyền ngày tết nhà nào cũng có.
Bác sĩ Phong khuyến cáo để giảm nguy cơ sặc, nghẹn thức ăn cho người già, trong các dịp lễ Tết, người thân hạn chế cho người già ăn các món ăn có tính kết dính cao như bánh chưng, bánh giày, bánh giò, các loại bánh kẹo tròn, dễ sặc.
Khi có tai nạn sặc nghẹn, người thân nên thực hiện sơ cứu trước rồi mới cho tới bệnh viện. Vì có nhiều trường hợp sặc có thể gây bít tắc đường thở, nguy hiểm cho bệnh nhân.
Cách sơ cứu ở người lớn bị nghẹn, ta hãy đứng ở phía sau lưng, vòng tay ra trước, hai bàn tay nắm lại với nhau và một bàn tay nắm lại thành nắm đấm, ngón cái nhấn vào vị trí trên rốn và dưới xương ức của nạn nhân. Tiếp đến, thúc nhanh và mạnh vào bụng của nạn nhân từ dưới lên và về phía sau nhiều lần cho tới khi dị vật văng ra ngoài. Sơ cứu đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cứu sống nạn nhân.
K.Chi