Bốn nguyên tắc điều trị đái tháo đường ở người già
Triệu chứng không điển hình
Già hoá dân số là quá trình chuyển đổi về dân số học theo hướng tỉ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) tăng và chiếm từ 10% dân số trở lên hoặc tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ trên 7% dân số. Theo các dự báo trước đây, dân số nước ta sẽ già hoá vào năm 2014, nhưng số liệu thực tế cho thấy dân số nước ta bước vào giai đoạn già hoá dân số vào năm 2010 . Do đó, nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng gia tăng.
Tại Việt Nam, mới đây một nghiên cứu lớn, mang tính điều tra dịch tễ học mô hình bệnh tật sức khoẻ ở người cao tuổi do Viện Lão khoa Quốc gia tiến hành trên 3 vùng Bắc – Trung – Nam cho thấy trung bình một người cao tuổi có khoảng gần 3 bệnh hoặc rối loạn bệnh lý, những bệnh lý rối loạn chiếm tỉ lệ cao là tăng huyết áp, thoái hóa khớp, bệnh lý tiêu hoá, giảm thị lực do đục thuỷ tinh thể. Những bệnh lý rối loạn có xu hướng tăng nhanh như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, trầm cảm, sa sút trí tuệ và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Nhiều thay đổi liên quan đến tuổi ảnh hưởng đến các biểu hiện lâm sàng của bệnh đái tháo đường. Những thay đổi này có thể làm cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường gặp khó khăn. Các chuyên gia cho rằng có ít nhất một nửa trong số những người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường không biết mình đang mắc bệnh.
BSCK I Lê Nhật Trường – Khoa Nội tiết, BV Thống Nhất, cho biết đái tháo đường tuyp 2 ở người cao tuổi ngày càng tăng nhanh hơn. Theo CDC Hoa Kỳ năm 2005 người trên 65 tuổi mắc đái tháo đường chiếm 21,4% dân số gấp đôi trung niên, gấp 7 lần người trẻ.
Ở Việt Nam năm 2017 chia nhóm bệnh nhân theo tuổi và chia làm 6 nhóm cho thấy người từ 60 -69 tuổi mắc Đái tháo đường chiếm tỷ lệ 30,4% số bệnh nhân đái tháo đường. Người từ 70 – 79 tuổi chiếm 18,6% , người trên 80 tuổi chiếm 17,3%. Việc điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường rất quan trọng.
BS Trường cho biết đa số bệnh nhân đái tháo đường ở tuổi từ 60 trở lên khi đến khám đều có các vấn đề biểu hiện lâm sàng bệnh không điển hình không tiểu nhiều, không khát nước mà họ các các biểu hiện khác như mệt mỏi, rối loạn tri giác, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng da.
Khi chẩn đoán được bệnh thì việc dùng thuốc khó khăn như vấn đề suy gan, suy thận cho người lớn tuổi. Khi kê toa cho bệnh nhân thì bệnh nhân tuân thủ thuốc điều trị cũng khó hơn như bệnh nhân bị các bệnh đi kèm, bệnh nhân không tự chỉnh được liều insulin vì các bệnh rối loạn thần kinh, sa sút trí tuệ, thị lực giảm không tự chích hoặc chỉnh liều được insulin.
4 nguyên tắc
Ở người già mục tiêu chung trong điều trị đái tháo đường tương tự như ở người trung niên, cần kiểm soát cả tăng đường huyết và các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên ở những bệnh nhân già đái tháo đường dễ bị tổn thương cần chú ý tránh hạ đường huyết, tụt huyết áp và những tương tác thuốc do dùng nhiều loại thuốc. Ngoài ra cần chú ý điều trị các bệnh lý kèm theo.
Khi điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường, BS Trường cho biết cần đảm bảo 4 nguyên tắc:
Nguyên tắc thứ nhất: Hạn chế sử dụng thuốc tăng nguy cơ hạ đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường.
Nguyên tắc thứ hai: Tránh điều trị quá mức ở bệnh nhân người cao tuổi
Nguyên tắc thứ ba: Đơn giản hoá phác đồ điều trị
Nguyên tắc thứ tư: Chi phí điều trị liên quan. Theo BS Trường nếu chi phí điều trị quá đắt bệnh nhân cũng không theo được quá trình điều trị.
Khi dùng insulin dạng đường tiêm dưới da cho bệnh nhân ngoại trú sẽ chỉ định cho bệnh nhân đái tháo đường mới phát hiện. Khi đường huyết quá cao cần dùng một thời gian, bệnh nhân chưa sử dụng insulin đã thất bại với 2, 3 loại thuốc sau điều trị. Bệnh nhân đã điều trị với thuốc uống nhưng bị các bệnh lý đồng mắc nên được chỉ định dùng insulin.
Một số bệnh nhân bị nhiễm ceton axit, nhồi máu cơ tim cấp, tiêu phẫu, nhiễm trùng toàn thân nặng, sụt cân nhiều, hạ đường huyết đều có thể sử dụng insulin đường tiêm.
Nếu chậm sử dụng insulin sẽ tăng nguy cơ biến chứng của đái tháo đường, giảm khả năng đề kháng, giảm ham muốn tình dục, tăng tiểu không tự chủ…
Nếu bệnh nhân phải tiêm insulin cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế cả về liều lượng và thời gian chích insulin.
K.Chi