Đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình chăm sóc người cao tuổi
Đó là những nội dung đáng chú ý trong Chỉ thị số 21 ngày 29/12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi thành phố Hà Nội".
Người cao tuổi góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô
Theo Chỉ thị, trong những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 59 ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về chăm sóc người cao tuổi, Luật Người cao tuổi và các chủ trương, chính sách của Trung ương, thành phố đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò của người cao tuổi, về trách nhiệm đối với công tác người cao tuổi và tổ chức Hội Người cao tuổi thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước.
Các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi được bảo đảm, tổ chức Hội Người cao tuổi được quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động. Trách nhiệm của gia đình và xã hội trong bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ngày càng được đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi trên địa bàn thành phố được nâng lên.
Tổ chức Hội Người cao tuổi được kiện toàn, hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia, là nòng cốt phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong người cao tuổi và phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện công tác người cao tuổi.
Lực lượng người cao tuổi Hà Nội đã tích cực thực hiện phong trào "Tuổi cao - Gương sáng"; đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
Cũng theo Chỉ thị, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác người cao tuổi và hoạt động của các cấp Hội Người cao tuổi trên địa bàn thành phố còn một số khó khăn, hạn chế.
6 nhiệm vụ cần làm
Nhấn mạnh rằng thời gian tới, “cùng với quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, tuổi thọ bình quân ngày càng cao, lực lượng người cao tuổi ngày càng đông hơn. Với kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín, người cao tuổi là nguồn lực to lớn, rất quý báu đối với sự phát triển của từng địa phương, Thủ đô và đất nước", Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt 6 nhiệm vụ nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tiếp tục thực hiện tốt công tác người cao tuổi và phát huy vai trò của tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp.
Trong đó, cấp ủy các cấp cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của thành phố về vị trí, vai trò của người cao tuổi và công tác người cao tuổi, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nghĩa vụ, niềm vui, hạnh phúc của từng gia đình, từng cá nhân công dân.
Chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của thành phố liên quan đến công tác người cao tuổi và Hội Người cao tuổi.
Đặc biệt, các cấp, các ngành đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức và các loại hình chăm sóc người cao tuổi; xây dựng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế của mạng lưới lão khoa; hỗ trợ đầu tư đối với các cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội; nghiên cứu, tổ chức thí điểm mô hình sinh kế phù hợp với người cao tuổi.
Cần quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp hoạt động có hiệu quả; tích cực tổ chức các phong trào, hoạt động thiết thực bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ, tạo điều kiện để người cao tuổi nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội; tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, sức lực trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Bình Minh