Khi nào cần “cai nghiện” mạng xã hội cho con?
Sự phát triển của Internet mang lại nhiều giá trị tích cực nhưng ngược lại những hậu quả để lại cũng không phải là ít, nhiều trẻ sa đà vào mạng xã hội dẫn tới hiện tượng nghiện.
Vật vã vì bị thu điện thoại
Chị Lê Thị Mai, Văn Phú, Hà Đông kể con gái chị học lớp 7 nhưng cháu nghiện mạng xã hội. Con bé có thể dành cả đêm để xem mạng xã hội. Gần đây chị thấy con có biểu hiện nghiện mạng xã hội, lệ thuộc vào mạng quá nhiều nên chị đã nghĩ ra cai nghiện cho con bằng cách thu điện thoại.
Chị thu điện thoại và cho vào tủ khoá. Đi làm về chị thấy cửa tủ bị kéo ra, con gái chị như người mất hồn. Bé nằm vật vã không ăn, không ngủ, vật vờ, tay chân đập bên này, đập bên kia. Đặc biệt, chị thấy con quay ra đánh em của mình vô cớ. Chị càng quát thì bé càng chống đối. Hành vi của bé rất khác lạ. Ngày thứ 2, con bỏ ăn, bỏ uống. Đến ngày thứ 3, chị Mai thấy tủ bị phá khoá nhưng không thành, bé lấy móc áo chọc vào ổ khoá để lấy điện thoại.
Thấy hành vi của con rất lạ, hai vợ chồng chị Mai cũng sợ hãi. Khi ngồi nói chuyện với con về việc dùng điện thoại, bé đã lao vào cào cấu, đánh mẹ giận giữ không kiềm chế được bản thân.
Qua người quen giới thiệu, chị Mai mới đưa con đi kiểm tra tâm lý. Bác sĩ cho rằng bé bị nghiện mạng xã hội nặng nên khi không còn được dùng điện thoại vào mạng xã hội cô bé xuất hiện tình trạng của hội chứng.
Theo TS.BS.Dương Minh Tâm – Trưởng phòng Điều trị liên quan rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia, tại đây bác sĩ cũng thường xuyên gặp các bệnh nhân là trẻ nhỏ phải nhập viện để điều trị về sức khỏe tâm thần do nghiện internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, có độ tuổi rất trẻ, đa số là học sinh phổ thông cuối cấp 2, đầu cấp 3.
Khi nào cần “cai nghiện”mạng xã hội cho con |
Theo TS Tâm ở độ tuổi các em, nhân cách đang dần được hình thành. Các em vẫn còn trong ‘tuổi ăn tuổi chơi’, chưa có được những suy nghĩ chín chắn. Do đó, các em chưa nhận thức được đầy đủ những tác hại, những hậu quả do nghiện mạng xã hội. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh do bận bịu với công việc hàng ngày nên cũng không theo dõi xát xao được tình hình sinh hoạt, học hành của con em mình. Chỉ đến khi kết quả học tập của con giảm sút rõ rệt, tính cách của con có nhiều đổi khác thì họ mới tá hỏa lên, dùng các biện pháp mạnh để chỉnh đốn con cái mình thì đã quá muộn. Các biện pháp can thiệp dường như không còn tác dụng nữa. Nhiều gia đình vợ chồng cãi nhau, cha mẹ và con cái bất hoà, trẻ có dấu hiệu của bệnh lý mới đưa tới tìm bác sĩ.
Dấu hiệu của nghiện mạng xã hội
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng mạng xã hội, lệ thuộc vào nó quá nhiều ảnh hưởng trầm trọng tới sức khoẻ của người dùng. TS Tâm cho rằng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, tình trạng nghiện internet còn ảnh hưởng đến cả thể xác của người bệnh.
Nhiều đứa trẻ suốt ngày mải miết với điện thoại, sống trong thế giới ảo quá nhiều không còn đủ thời gian để ăn, ngủ, nghỉ nên cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, xanh xao. Trong khi đó, hoạt động về trí não lại tiêu tốn nhiều năng lượng.
Có những ca bệnh trẻ vào viện suy kiệt vì mải mê với internet. Trực tiếp TS Tâm cũng gặp nhiều ca cấp cứu do bệnh nhân bị suy kiệt sau thời gian dài ngồi máy tính để chơi game, lên mạng xã hội.
Đối với trường hợp nghiện mạng xã hội là phải điều trị. TS Tâm khẳng định theo nguyên tắc là cứ ảnh hưởng đến học tập, ảnh hướng đến chất lượng cuộc sống là phải điều trị cai nghiện.
Tuy nhiên, để việc điều trị có hiệu quả thì bệnh nhân có tự nguyện đến khám thì bệnh viện mới có thể giúp họ được.
Các dấu hiệu cảnh báo con bạn nghiện mạng xã hội, internet cần phải can thiệp điều trị như: Trẻ có nhu cầu cao trong sử dụng mạng xã hội nhiều và sử dụng nó một cách thụ động. Khi không được tham gia mạng xã hội thì trẻ xuất hiện cảm xúc bồn chồn, khó chịu, bứt rứt. Mặc dù biết mạng xã hội có hại nhưng trẻ vẫn dùng. Ảnh hưởng của mạng xã hội, internet khiến trẻ ảnh hưởng tới học hành, công việc, suy giảm về thể chất.
Ngoài ra, trẻ có thể có các triệu chứng khác về mặt xã hội như xuất hiện tật chứng về quan hệ xã hội như thay đổi tính tình, sống khép kín, giảm sút trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Khánh Chi