Trẻ em được bảo vệ trên không gian mạng như thế nào?
Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng tỷ lệ trẻ em sử dụng không gian mạng phản ánh thực tế rằng người trẻ luôn nhạy bén với công nghệ.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có lượng người dùng mạng internet lớn nhất thế giới với 64 triệu người, chiếm 66% dân số; trong đó, 1/3 người dùng ở độ tuổi 15 đến 24.
Trong khi đó, đối tượng sử dụng không gian mạng để phạm tội ngày càng tinh vi. Tội phạm không cần lộ diện, không tốn nhiều công sức mà vẫn đạt được mục đích. Việc sử dụng không gian mạng nhiều nhưng chưa có kỹ năng cũng như nhận thức đầy đủ về tính hai mặt của không gian mạng khiến trẻ em luôn là đối tượng bị đe dọa, lạm dụng, bóc lột, lừa đảo.
Trẻ em Việt được bảo vệ trên không gian mạng như thế nào? |
Luật An ninh mạng số 22/2018/QH14 ngày 12 tháng 06 năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.Tại Điều 29 của Luật An ninh mạng quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như sau:
+ Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.
+ Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật ninh mạng số 22/2018/QH14 ngày 12 tháng 06 năm 2018 và pháp luật về trẻ em (Luật trẻ em năm 2016).
+ Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.
+ Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.
K.Chi