Trung Quốc xây dựng lực lượng "hải quân thứ hai" xâm chiếm Biển Đông
Trang web quân sự Mỹ Strategy Page cho hay trong năm 2014, Trung Quốc đã cho đóng, hạ thủy hoặc đưa vào biên chế ít nhất 60 chiếc tàu chiến. Và trong năm 2015 – 2016, xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn.
Còn theo kế hoạch, Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp nhận thêm vài chiếc tàu sân bay, 26 tàu khu trục, 52 tàu chiến, 20 tàu hộ tống, 85 tàu tuần tra trang bị tên lửa, 56 tàu đổ bộ, 42 tàu rải mìn. Trong đó, 10% số tàu này là tàu biển cỡ lớn.
Tàu thuyền của lực lượng bảo vệ bờ biển Phúc Kiến tham gia một cuộc tập trận. |
Trước đây, Bắc Kinh đã sáp nhập thành công 4 trong 5 cơ quan chấp pháp trên biển thành Cục Cảnh sát biển Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc hiện cần nhiều hơn một tổ chức tuần tra bờ biển bởi theo truyền thống, Đảng Cộng sản Trung Quốc thường thiết lập nhiều tổ chức an ninh để giám sát lẫn nhau trong việc đảm bảo lòng trung thành với đảng.
Còn trong vài tháng qua, Trung Quốc đã cho sơn lại hàng trăm tàu thuyền thuộc lực lượng an ninh bờ biển. Trong khi, những tàu thuyền thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển được trang bị thêm vũ khí hạng nặng thì những chiếc tàu biển khác được thiết kế để phục vụ công tác thực thi luật biển.
Việc Trung Quốc thành lập Cục Cảnh sát biển đã một lần nữa minh chứng cho chiến thuật cổ điển của nước này trong âm mưu độc chiếm Biển Đông mà không cần sử dụng tới tàu thuyền của lực lượng hải quân quốc gia. Trong đó, Trung Quốc hiện đang cho xây dựng hàng chục tàu chiến cỡ lớn phục vụ Cục Cảnh sát biển. Không ít tàu thuyền tuần tra được trang bị nhiều hệ thống vũ khí như tên lửa và ngư lôi.
Thậm chí, Trung Quốc còn đang cho xây dựng các căn cứ mới nằm tại những khu vực mà Bắc Kinh xâm chiếm trái phép trên Biển Đông để phục vụ hoạt động của Cục Cảnh sát biển. Nói cách khác, thông qua sự hiện diện quy mô lớn, Trung Quốc muốn từng bước "khẳng định chủ quyền phi pháp tại các vùng biển xung quanh lãnh thổ nước này".