Trung Quốc chỉ có chứng lý nguỵ tạo của kẻ mạnh!
Tiếp tục cuộc giao lưu với Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng, nhân chuyến tham quan triển lãm "Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" tại Bảo tàng Đà Nẵng, đã có thêm nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi và đề xuất nhiều ý tưởng khá độc đáo để góp phần khẳng định của chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Infonet tiếp tục lược thuật nội dung cuộc giao lưu này:
Bạn Trần Đình Hà (Ngân hàng NN-PTNT Đà Nẵng thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp Đà Nẵng) đặt câu hỏi trong buổi giao lưu với ông Bùi Văn Tiếng chiều 10/5 (Ảnh: HC) |
"Chúng ta đều biết Trung Quốc tuyên truyền cho người dân của họ rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Chúng ta có những bằng chứng, thậm chí là của chính Trung Quốc, chứng tỏ Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên việc tuyên truyền để cho tất cả mọi người dân Việt Nam có thể luôn luôn khẳng định rằng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Cần có những biện pháp gì để cải thiện tình hình này?" (Nguyễn Đức Hồng, Tổng Công ty Xây dựng điện Việt Nam, thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp Đà Nẵng).
Trung Quốc muốn quấy phá ngư trường Trường Sa của Việt Nam
Thêm chứng lý Trung Quốc chưa bao giờ làm chủ biển Đông
Du lịch ĐBSCL: Chỉ thế thôi ư?
Ông Bùi Văn Tiếng: Điều bạn nói là một thực tế. Chính vì vậy, ý tưởng của BTC cuộc triển lãm "Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" là cũng muốn tổ chức lưu động cuộc triển lãm này trong cả nước và có thể là ở các nước ngoài. Vừa qua, UBND huyện Hoàng Sa đã tổ chức cuộc triển lãm này cho các nhà báo, du khách nước ngoài cũng là một cách để quảng bá rộng rãi hơn nữa những bằng chứng mang tính chân thực lịch sử của mình, qua đó góp phần khẳng định với thế giới chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những biện pháp đang được triển khai tốt.
Tôi rất đồng tình với bạn là cần phải làm cho toàn thể người dân Việt Nam ở trong nước và ngoài ngoài cũng như người dân của các nước khác, kể cả Trung Quốc, hiểu rõ về điều đó. Thời kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam là một nước nhỏ đánh thắng một đế quốc to. Trong nhiều nguyên nhân như lòng yêu nước, chí căm thù giặc, chính nghĩa... thì có một điều là chúng ta đã làm tốt công tác ngoại giao nhân dân. Ngay tại nước Mỹ đã có Morison, một thanh niên Mỹ đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.
Hôm trả lời phỏng vấn cô Tạ Bích Loan trong chương trình "Người đương thời", tôi cũng có nói ý này và Tạ Bích Loan bình luận "như vậy là chúng ta cũng đang rất cần nhiều Mirison Trung Quốc". Có nghĩa, không chỉ làm cho nhân dân Việt Nam mà chúng ta cần phải tiến hành làm cho nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới cũng như Trung Quốc thấy rõ được sự thật lịch sử: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Ông Bùi Văn Tiếng: "Trung Quốc nguỵ tạo bằng chứng về chủ quyền của họ đối với cái mà họ gọi là Nam Sa và Tây Sa" |
Cho đến giờ này, Trung Quốc không có một chứng lý gì hết. Họ chỉ có chứng lý của kẻ mạnh, trong đó có một cái mạnh là đã đầu tư nghiên cứu học thuật, nguỵ tạo bằng chứng về chủ quyền của họ đối với cái mà họ gọi là Nam Sa và Tây Sa. Nhiều luận án tiến sĩ, nhiều công trình nghiên cứu cấp quốc gia đã được họ công bố. Về mặt này có thể nói là chúng ta còn mới bước đầu. Hiện nay luận án tiến sĩ gần như duy nhất của trong nước làm về đề tài Hoàng Sa là của tiến sĩ Nguyễn Nhã, là một trong những người đi đầu, có công lớn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Sau khi tôi đưa ra ý kiến về "công dân danh dự của Hoàng Sa", ông Văn Công Quang, Tổng Giám đốc Công ty truyền hình cáp Sông Thu ở Đà Nẵng có gọi điện cho tôi đề xuất Hội Khoa học Lịch sử TP và UBND huyện Hoàng Sa giới thiệu cho công ty những người làm luận án, luận văn liên quan đến đề tài Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông. Công ty sẽ tài trợ kinh phí để hỗ trợ thêm về điều kiện nghiên cứu. Họ nêu ra hai con số cụ thể: Nếu làm luận án tiến sĩ sẽ hỗ trợ 1.000 USD, nếu làm luận văn thạc sĩ sẽ hỗ trợ 500 USD. Tất nhiên con số đó vẫn còn rất ít so với yêu cầu, điều kiện để nghiên cứu sâu. Nhưng đó cũng là tấm lòng của người Đà Nẵng đối với huyện đảo thân yêu của chúng ta.
Việc khuếch trương, mở rộng tuyên truyền để khẳng định chủ quyền, theo tôi là không chỉ ở trong nước, mặc dù cái này chúng ta cũng đang mới bắt đầu, mà còn phải tiếp tục tranh thủ dư luận của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới và đặc biệt là nhân dân Trung Quốc. Trên thực tế, có một số học giả Trung Quốc lấy khoa học làm tiêu chí tối thượng đã khẳng định việc Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa là chân lý, là sự thật.
Sở dĩ các cuộc triển lãm về Hoàng Sa được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng trong mấy tháng qua thu hút được lượng khách tham quan đông đảo, tôi nghĩ là do sức thu hút, sức hấp dẫn của chân lý và sự thật. Chỉ có chân lý và sự thật thì mới thu hút được sự chú ý, sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách như vậy. Thứ hai, là khẳng định sự đóng góp của những người tạm gọi là "công dân danh dự Hoàng Sa", như Việt kiều Trần Thắng ở Mỹ đã có công lớn trong việc tìm kiếm, sưu tầm tư liệu. Qua đó cho thấy những cuộc triển lãm như vừa nêu là hoạt động rất cần thiết trong tuyên truyền, nếu biết cách khai thác, biết cách tổ chức sẽ đạt hiệu quả rất cao.
Công nhân Sở GTVT Đà Nẵng dựng bảng tên Hoàng Sa cho tuyến đường đẹp nhất TP chạy dọc ven biển Đông |
Đà Nẵng đã có đường Hoàng Sa, Trường Sa nhưng do bảng tên đường chỉ ghi tiếng Việt nên chỉ có người Việt biết. Tại sao chúng ta không ghi thêm tên tiếng Anh để người nước ngoài khi đến đây họ cũng biết đó là đường Hoàng Sa, Trường Sa? Tại sao trên hai tuyến đường này chúng ta không đặt bản đồ hoặc tấm bảng nêu tóm tắt về tên đường, ý nghĩa của tên đường và chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa?(Trần Đình Hà, Ngân hàng NN-PTNT Đà Nẵng, thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp Đà Nẵng)
Ông Bùi Văn Tiếng: Theo nhận thức của tôi thì đây không phải là bạn hỏi, mà bạn bày tỏ quan điểm, ý tưởng của mình. Tôi nghĩ các ý tưởng đó đều rất tuyệt vời. Việc HĐND TP Đà Nẵng ra Nghị quyết đặt tên đường là khá phổ biến tại các kỳ họp. Sau khi có nghị quyết, các công nhân Sở GTVT lặng lẽ, âm thầm làm nhiệm vụ trồng trụ, gắn bảng tên đường. Tuy nhiên sau khi HĐND TP Đà Nẵng quyết định đặt tên đường Hoàng Sa và Trường Sa, tôi có trao đổi với Giám đốc Sở GTVT, đề nghị khi gắn bảng tên đường nên thông báo cho báo đài biết để thông tin rộng rãi đến người dân. Nên nếu tinh ý các bạn sẽ thấy ở Đà Nẵng, duy nhất việc trồng trụ, gắn bảng tên đường Hoàng Sa, Trường Sa có quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn công nhân... đưa lên báo chí, truyền hình. Điều đó cũng khá là độc đáo.
Bảng tên đường thì phải hoà đồng trong toàn bộ hệ thống bảng tên đường trên địa bàn, chỉ để tên tiếng Việt thôi. Nhưng tôi thấy ý tưởng của bạn khá phù hợp với suy nghĩ chung của Đà Nẵng là sẽ có bảng chỉ dẫn nêu rõ lý do đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa cho tuyến đường đẹp nhất TP chạy dọc ven biển Đông. Ta hoàn toàn có thể làm bảng chỉ dẫn hướng về Hoàng Sa với 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Trung. Ý tưởng như bạn nói Đà Nẵng cũng đang chuẩn bị để thực hiện.