Trải nghiệm một số làng nghề của Hạ Long
Nuôi trai lấy ngọc
Du khách có thể tận mắt chứng kiến mọi quy trình hình thành nên một viên ngọc quý, từ việc nuôi cấy cho đến khi thu hoạch, chế tác. Sau khi tham quan khu nuôi trồng du khách sẽ được tìm hiểu thêm công việc của người lao động, chia nhỏ lượng trai tại các lồng nuôi khi con trai đã phát triển hơn.
Nghề gốm
Nếu so về lịch sử, nghề gốm Đông Triều (Quảng Ninh) còn rất non trẻ. Người có công nhân nghề sứ ở Đông Triều là ông Hoàng Bá Huy, người mở tổ sản xuất có quy mô gia đình vào năm 1955. Cùng với thời gian, nghề này được nhân rộng và đến nay trên địa bàn đã có khoảng trên 50 lò đang ngày đêm hoạt động, chủ yếu tập trung tại địa bàn của khu vực Cầu Đất và Vĩnh Hồng, thu hút được gần 1.500 lao động địa phương.
Đánh giá được tầm qua trọng và tương lai phát triển của nghề gốm sứ ở Đông Triều, một số doanh nghiệp sản xuất gốm sứ trong nước, ngoài việc đầu tư tại Bát Tràng đã đầu tư xây dựng nhà xưởng mới ở đây nhằm tận dụng ưu thế thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu, nguồn lao động lành nghề và vị trí giao thông thuận tiện cho việc xuất khẩu. Đây là một sự chuẩn bị chiến lược trong xu hướng phát triển kinh tế theo xu hướng toàn cầu hiện nay.
Làng chài Cửa Vạn
Làng chài thuộc xã Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, cách bến tàu du lịch khoảng 20km. Thôn Cửa Vạn có 176 hộ gồm 733 nhân khẩu hầu hết đều sinh sống bằng nghề chài lưới. Làng nằm trong một vụng biển lặng sóng, xung quanh là núi đá bao bọc có tên Vạ Giá - Cửa Vạn. Khu vực này là một địa điểm lý tưởng cho các loại tàu neo đậu.
Làng chài Cửa Vạn hiện đang là điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch nước ngoài. Hầu hết các tour thăm vịnh của các hãng du lịch đã chọn làng chài để đưa khách tới thăm.
Nghề thủ công mỹ nghệ bằng than đá
Nghề thủ công mỹ nghệ bằng than đá ở Quảng Ninh đến nay đã trở thành một nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng. Sản phẩm mỹ nghệ bằng than đá ngày càng được đông đảo khách trong nước và quốc tế ưa thích bởi vẻ đẹp và sự độc đáo về chất liệu, tính thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người thợ thủ công tài hoa.
Từ những cục than bình thường, qua con mắt và bàn tay người thợ đã trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế rất lớn. Có sản phẩm trị giá một vài chục ngàn đồng, có sản phẩm trị giá vài triệu đồng.
Kiểu loại cũng rất phong phú, đa dạng từ những con trâu, con nai, gạt tàn thuốc lá quen thuộc trước đây, đến những tác phẩm điêu khắc đạt trình độ cao.
Quảng Ninh đã và đang tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để nghề thủ công mỹ nghệ than đá ngày càng phát triển nhằm xây dựng thành những dãy phố, những làng nghề chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng này, vừa trở thành những địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn vừa góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống bản sắc văn hoá vùng công nghiệp mỏ, đồng thời tạo thêm mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao.