Tuyên truyền phòng, chống mua bán người cần phù hợp đối tượng và tập quán địa phương
Đang triển khai dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (dự án EMPoWR) tại 4 tỉnh miền núi có đường biên giới dài: Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, bà Hoàng Bích Ngọc nhận thấy trên thực tế, thấy có rất nhiều hình thức mua bán người.
Trong đó các hình thức phổ biến thường rơi vào các trường hợp như: Mua bán nạn nhân để bóc lột tình dục (thông qua các cơ sở mại dâm); cưỡng ép hôn nhân đối với nạn nhân là nữ giới, rồi biến họ thành nô lệ tình dục, bóc lột lao động, giam giữ trái phép; cưỡng ép, bóc lột lao động trong nước và nước ngoài, trong các nhà máy, xí nghiệp, nông trường, công trường khai khoáng, làm giúp việc... (chủ yếu ở Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, Ả rập, Nhật Bản, và Châu Âu), thông qua việc di cư lao động trái phép, tự phát theo đường tiểu ngạch, hoặc qua các công ty môi giới, xuất khẩu lao động. Vì thường là lao động trái phép nên họ phải chịu mức lương rẻ mạt, điều kiện lao động tồi tệ mà không thể phản kháng, bị đe dọa tố cáo cư trú bất hợp pháp và không được pháp luật bảo vệ; bán lấy nội tạng.
Các hình thức này đều được bao quát trong quy định về hành vi mua bán người của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó còn có tình trạng mua bán con nuôi, mua bán bào thai là những hình thức mới, có tính chất phức tạp, khó xác định hành vi phạm tội, có hậu quả nghiêm trọng và phi nhân đạo, nhưng lại chưa được pháp luật quy định đầy đủ.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy trên 80% nạn nhân mua bán người là người dân vùng dân tộc thiểu số, nhưng theo bà Ngọc thì việc phổ biến pháp luật còn thiếu linh hoạt, nặng nề về tổ chức các hội nghị. Việc tiếp cận luật hạn chế do sự bất đồng về ngôn ngữ, trình độ, trong khi tài liệu phổ biến pháp luật, tờ rơi thực hiện bằng tiếng phổ thông.
“Hoạt động tuyên truyền ở một số địa phương không phù hợp đối tượng, độ tuổi, phong tục tập quán địa phương, chưa lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Sự quan tâm của gia đình và hoạt động tuyên truyền của nhà trường còn lỏng lẻo, chưa bám sát, đi sâu vấn đề. Theo luật Phòng, chống mua bán người quy định trách nhiệm cho gia đình phải cung cấp thông tin về mua bán người cho từng thành viên trong gia đình, phối hợp với nhà trường thực hiện công tác này.
Nhưng nhiều trẻ em, thanh niên trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người là do thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ phía gia đình, bị những đối tượng mua bán người dụ dỗ, lôi kéo qua mạng internet (zalo, facebook...), qua các buổi hẹn hò, ra mắt, đi chơi, du lịch, hoặc việc làm thu nhập cao...”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại nhà trường mặc dù phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc học tập, hoạt động khác của học sinh, sinh viên, có trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền, cung cấp những kiến thức về phòng, chống mua bán người nhưng trên thực tế ở một số trường học, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh nội trú diễn biến phức tạp. Các em học sinh không nhận thức được hậu quả và chưa có nhiều kỹ năng để nhận diện được các thủ đoạn mua bán người.
“Hiện nay, nhiều em học sinh vùng dân tộc thiểu số có sử dụng điện thoại thông minh, nên bị các đối tượng mua bán người dùng nick ảo kết bạn, làm quen, có trường hợp chúng giả danh là công an, bộ đội, hình ảnh các anh chàng đẹp trai học giỏi để lấy lòng tin, tạo quan hệ với các em học sinh. Thế nhưng nhà trường chưa tích cực lồng ghép, phổ biến pháp luật về mua bán người vào các môn học như giáo dục công dân, các hoạt động ngoại khóa ít được tổ chức”, bà Ngọc cho hay.
Trước thực trạng này, bà Ngọc kiến nghị các địa phương, đặc biệt là những nơi giáp biên giới, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người.
Trong đó, chú ý tuyên truyền sâu, rộng tất cả hình thức mua bán người và những rủi ro tiềm ẩn của nó. Nhà trường cần tích cực hơn nữa tuyên truyền cho các em học sinh, bằng những hình thức sinh động, hấp dẫn để nâng cao nhận thức cho các em về vấn đề mua bán người như đóng kịch, vẽ tranh, các hình thức sân khấu hóa....
Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia độc lập cũng kiến nghị chính quyền các cấp như Ủy ban Nhân dân, Công an, Bộ đội Biên phòng, các tổ chức đoàn thể (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, ...) cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa và phối hợp cao nhất để cùng hành động chấm dứt tình trạng mua bán người. Theo đó, các cấp ngành cần tích cực từ việc phối hợp tuyên truyền, xây dựng chuyên đề, đề án về phòng chống mua bán người riêng cho các huyện, tỉnh đến việc rà soát thường xuyên nhân hộ khẩu, phát hiện nguy cơ, xử lý vụ việc.
Dự án EMPoWR được triển khai từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6 năm 2023 tại 4 tỉnh 11 huyện 52 xã của Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và tổ chức Plan International Việt Nam cùng thực hiện, với sự đồng tài trợ của Liên minh châu Âu và tổ chức Plan International Bỉ. Mục tiêu tổng quát của dự án là các trẻ em gái, em trai, nam nữ thanh niên các dân tộc thiểu số (từ 10 đến 24 tuổi) sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu và tiếp cận quyền lợi của họ, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và đóng góp ý kiến của mình cho các nhà hoạch định chính sách. Đối tượng đích của dự án là 17.200 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10 đến 24 tuổi được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động của dự án, cho đến khi kết thúc giai đoạn thực hiện, Dự án kỳ vọng sẽ lan tỏa thông tin tới hơn 57.400 em vùng dân tộc nữa trên khắp 4 tỉnh dự án. |
N. Huyền