Phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 khi mang thai, bà mẹ quyết giữ con dù có mất mạng
BS Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết ông vừa tiếp nhận điều trị cho một sản phụ vừa sinh xong chuyển sang điều trị ung thư cổ tử cung.
Cứu sống bé 11 ngày tuổi mắc bệnh lý hiếm chỉ 4/1000 trẻ mới gặp
Các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch - Bệnh viện Nhi Trung ương nhận được cuộc gọi mời hội chẩn cấp cứu của các đồng nghiệp từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc về trường hợp bệnh nhi 11 ngày tuổi mắc bệnh lý hiếm gặp.
Ca bệnh đặc biệt
Theo BS Tiến đây là một cặp vợ chồng trẻ ở Miền Trung vào sinh sống tại Bình Dương, làm công nhân cho một công ty sản xuất giày da.
Khi mang thai ở tháng thứ 5, bác sĩ khám thai phát hiện ra khối bướu cổ tử cung. Sinh thiết ra ung thư cổ tử cung giai đoạn 2.
Dù các bác sĩ tư vấn nên bỏ thai đi để cứu sinh mạng của mình, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ người vợ quyết định dù có sống được bao lâu, dù có mất mạng sau khi sinh con cũng phải sinh con ra đời, không thể bỏ đứa con trong bụng để tìm lại sự sống cho bản thân mình.
Suốt thời gian mang thai sống cùng bệnh ung thư, cuối cùng đứa con kháu kỉnh ra đời, và người vợ được đưa thẳng vào khoa ngoại phụ khoa khi mà đứa trẻ mới vừa 10 ngày tuổi.
Bác sĩ Tiến cùng đồng nghiệp ngày 17/3 sẽ phẫu thuật cho bà mẹ này. |
Đúng như tiến trình của bệnh, khối bướu cổ tử cung to trên 3cm xâm lấn túi cùng nhưng thật may có thể còn mổ được và một lịch trình điều trị dày đặt sau khi mổ. Các điều dưỡng của khoa cùng nhau hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân vì chồng của bệnh nhân còn chăm sóc em bé sơ sinh.
Ung thư cổ tử cung khi mang thai
Theo BS Tiến có khoảng 1 – 3 % phụ nữ được chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung khi đang mang thai hoặc sau khi sinh. Khoảng một nửa trong số những trường hợp này được chẩn đoán trước khi sinh và nửa còn lại được chẩn đoán trong 12 tháng sau khi sinh. Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ác tính phổ biến nhất trong thai kỳ, với tỷ lệ ước tính từ 0,8 đến 1,5 trường hợp trên 10.000 ca sinh
Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm của bệnh. Đây có thể là kết quả của việc kiểm tra tiền sản thường quy, nhưng cũng có trường hợp bệnh giai đoạn tiến triển cản trở sanh thường. Tùy theo giai đoạn, diễn tiến bệnh và tiên lượng ung thư cổ tử cung ở bệnh nhân mang thai cũng tương tự như bệnh nhân không mang thai.
Không có nhiều dữ liệu từ các nghiên cứu ngẫu nhiên lớn để đưa ra các khuyến cáo cho việc chăm sóc bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung khi mang thai. Do đó, hiện tại thì điều trị vẫn dựa trên các khuyến cáo dành cho phụ nữ không mang thai, những cân nhắc về y khoa cũng như đạo đức tùy thuộc từng trường hợp riêng lẻ. Điều trị nên dựa vào từng cá nhân cụ thể và dựa trên giai đoạn ung thư, mong muốn của người phụ nữ tiếp tục mang thai, và những rủi ro của việc điều trị hoặc trì hoãn điều trị trong khi mang thai.
Ở phụ nữ có thai được chẩn đoán ung thư cổ tử cung tại chỗ, việc điều trị triệt để nên trì hoãn đến giai đoạn hậu sản. Điều trị triệt để, ngay lập tức cùng với chấm dứt thai kỳ, bất kể tuổi thai, thường được chỉ định nếu có bằng chứng về di căn hạch hay ghi nhận bệnh tiến triển trong thời gian mang thai.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tiến, việc điều trị bệnh nhân ung thư cổ tử cung có thai tùy thuộc vào mong muốn của bệnh nhân và giai đình liên quan đến bảo tồn thai kỳ, tuổi thai và giai đoạn lâm sàng của mẹ.
Nếu mẹ không muốn giữ thai sau khi được chẩn đoán ung thư cổ tử cung, việc điều trị tương tự như ở bệnh nhân không có thai.
Nếu mẹ mong muốn giữ thai khi mà thai còn nhỏ (dưới 22-25 tuần) nếu chẩn đoán vi thể được xác định (hay nghi ngờ), sẽ thực hiện việc khoét chóp chẩn đoán. Không cần điều trị thêm nếu bệnh giai đoạn IA1, với điều kiện họ không phát hiện thêm bệnh trong thời gian theo dõi. Nếu bờ khoét chóp dương tính, chỉ định mổ sanh và khoét chóp lần nữa lúc 6 đến 8 tuần hậu sản để loại bỏ ung thư.
Ở bệnh nhân giai đoạn IA2 và IB1 bướu < 2 cm, phẫu thuật cắt cổ tử cung đơn giản hay khoét chóp rộng nên được thực hiện. Không nên thực hiện cắt cổ tử cung tận gốc (mức độ khuyến cáo 2C).
Ở bệnh nhân bướu ≥ 2cm, hóa trị tân hỗ trợ được đề xuất. Kết hợp cisplatin và paclitaxel mỗi 3 tuần cho đến khi sanh (mức độ khuyến cáo 2C).
Nếu mẹ mong muốn giữ thai khi mà thai trên 22-25 tuần) nếu bướu < 2 cm, nên trì hoãn việc điều trị đến sau khi sanh (mức độ khuyến cáo 2C). Nếu bướu ≥ 2 cm, hóa trị tân hỗ trợ (mức độ khuyến cáo 2C). Tuy nhiên các bác sĩ ung thư khác sẽ chọn chấm dứt thai kỳ và điều trị triệt để ở những bệnh nhân này vì nguy cơ tái phát cao.
Không nên xạ trị ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung mong muốn giữ thai vì có thể gây sảy thai và các tai biến khác. Bệnh nhân ung thư cổ tử cung và tiếp tục thai kỳ cần được theo dõi sát đến khi sanh. Bệnh nhân có bằng chứng bệnh tiến triển cần được điều trị triệt để.
Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn IA, có thể sanh ngã âm đạo nếu bờ khoét chóp âm tính. Tuy nhiên sanh mổ được khuyến cáo ở những bệnh nhân có giai đoạn bệnh trễ hơn. Bệnh nhân ung thư cổ tử cung cần điều trị triệt để sau khi sinh.
Khánh Chi