Nhiều tiềm năng chưa được khai thác từ Hiệp định UKVFTA
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, cho rằng Việt Nam và Vương quốc Anh cần khai thác những tiềm năng chưa được khai thác từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) để mở rộng quan hệ thương mại song phương.
Fibre2Fashion đưa tin theo ông Ngô Chung Khanh, Vương quốc Anh đang trở thành nhà cung cấp nguyên vật liệu và công nghệ có giá trị cao cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ tận dụng tối đa lợi ích của UKVFTA.
Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn tăng trưởng ở mức hai con số. Điển hình, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đã tăng 15,4%. Đây là bằng chứng về những lợi ích mà UKVFTA mang lại cho cả hai bên, ông Ngô Chung Khanh cho hay.
Các mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh gồm dệt may, giày dép, cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả và xuất khẩu các mặt hàng này đều có sự tăng trưởng vượt bậc, thậm chí có mặt hàng tăng gần 100%.
Kim ngạch nhập khẩu vải từ Vương quốc Anh tăng cho thấy một số doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng vải nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ trong Hiệp định UKVFTA.
Cũng theo ông Ngô Chung Khanh, các doanh nghiệp Việt đã hướng đến thị trường có FTA mới bao gồm thị trường UKVFTA như một kênh để đa dạng hóa thị trường, phát triển mở rộng sản phẩm. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu để nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu cũng như các yêu cầu của thị trường, mới có thể tận dụng được cơ hội từ hiệp định mang lại.
“Vương Quốc Anh có tiêu chuẩn cao, bản chất nó không phải hàng rào mà là tiêu chuẩn của họ, tức là thu nhập của họ cao, tư duy của họ đối với môi trường, lao động cũng khác thì nó có sự khác biệt, chúng ta cần phải chú ý đối với vấn đề này. Có thể nói, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa quen nên cũng cần phải có thêm thời gian để thích ứng”, ông Ngô Chung Khanh nói.
Vương quốc Anh là thị trường rộng lớn với nhu cầu nhập khẩu trên 700 tỉ USD hàng hóa/năm. UKVFTA là đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Anh, góp phần tăng trưởng kinh tế, không bị suy giảm quá mức do tác động của đại dịch Covid-19.
Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/5/2021, với những cam kết đáng chú ý về thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa, dịch vụ đầu tư, mua sắm Chính phủ.
Trong đó, về cam kết về thuế quan, hai bên thỏa thuận cắt giảm ngay 65% số dòng thuế khi hiệp định UKVFTA có hiệu lực thi hành. Điều này đồng nghĩa với việc tăng lên tới 99% số dòng thuế được cắt giảm sau từ 6 - 9 năm. Việc cắt giảm thuế khẩu đối với các sản phẩm như quần áo, vải và giày dép giúp khách hàng và doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ giá cả thấp hơn.
Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Anh vào Việt Nam, 48,5% số dòng thuế được xóa bỏ từ 1/1/2021; 91,8% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào ngày 1/1/2027; 98,3% số dòng thuế được xóa bỏ từ ngày 1/1/2029; 1,7% số dòng thuế được tự do hóa một phần thông qua hạn ngạch thuế quan (lượng hạn ngạch là phù hợp với các cam kết WTO của Việt Nam và các thuế trong hạn ngạch sẽ được xóa bỏ vào năm 2031), hoặc không được hưởng ưu đãi.
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Anh từ Việt Nam, 85,6% số dòng thuế được xóa bỏ vào ngày 1/1/2021; 99,2% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào 1/1/2027; 0,8% số dòng thuế được tự do hóa một phần thông qua hạn ngạch thuế quan (với thuế suất ưu đãi đối với các sản phẩm trong hạn ngạch là 0%).
Ngoài ra, quy định về quy tắc xuất xứ trong UKVFTA cũng tương tự với Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Theo đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam theo Hiệp định UKVFTA cũng sẽ dùng chung mẫu C/O EUR.1 được quy định trong Hiệp định UKVFTA và Thông tư 02/2021/TT-BCT.
Về mua sắm Chính phủ, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường mua sắm công cho Vương quốc Anh, cho phép các nhà cung cấp của Anh tiếp cận mua sắm ở cấp Trung ương và tại hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Minh Thu