Các hiệp định thương mại giúp mở rộng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Pháp
Hôm 28/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiến hành điện đàm với Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne để trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Nhấn mạnh mối liên kết lịch sử và văn hóa giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng các mối quan hệ với Pháp, quốc gia đang là thành viên quan trọng trong Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới chính phủ và người dân Pháp đã hỗ trợ 5,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam để vượt qua dịch bệnh.
Thủ tướng Elisabeth Borne gửi lời chúc mừng Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng Pháp, hai bên cần phối hợp chặt chẽ để đưa quan hệ Đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa thông qua hoạt động trao đổi đoàn các cấp, cũng như phát huy tối đa các mối quan hệ hiện có.
Hai Thủ tướng nhất trí hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam -Pháp.
Thủ tướng Pháp Borne bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là năng lượng tái tạo, đồng thời nhất trí thúc đẩy thực thi đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Pháp, cũng như Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác đầu tư song phương. Việt Nam hy vọng Pháp thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm dỡ bỏ thẻ vàng đối với nghề cá Việt Nam.
Liên quan tới mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế trong những năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam, tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước, và hỗ trợ Việt Nam trùng tu, bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chính sách năng động của Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và ủng hộ vai trò tích cực của Pháp trong quá trình ứng phó trước các thách thức chung ở khu vực.
Trong quá trình trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mời Thủ tướng Elisabeth Borne tới thăm Việt Nam và nhà lãnh đạo Pháp đã vui vẻ nhận lời.
Hồi tháng 9/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Saône & Loire của Pháp đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp để trao đổi về Hiệp định EVFTA giữa Pháp và Việt Nam.
Tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Pháp là ông Đinh Toàn Thắng từng nhấn mạnh Việt Nam đang là nền kinh tế lớn thứ 3 tại ASEAN và với dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam có những tiềm năng to lớn để đáp ứng được các nhu cầu của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp Pháp.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) của tỉnh Saône & Loire là ông Michel Suchaud cho rằng, Việt Nam và tỉnh Saône & Loire chia sẽ những lợi thế tương đồng về địa lý khi đều là ngã tư giao thương chiến lược quan trọng của Đông Nam Á và châu Âu.
Theo ông Suchaud, với dân số gần 100 triệu người và tầng lớp trung lưu dự tính chiếm đến 50% dân số Việt Nam vào năm 2035, nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng cũng như tiêu dùng của Việt Nam rất lớn, biến Việt Nam thành một mảnh đất của cơ hội, một đối tác không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp Pháp.
Vào năm 2021, Pháp là nhà đầu tư lớn thứ ba của EU tại thị trường Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp, chế tạo, chế biến, xử lý chất thải và bất động sản.
Trong năm 2020, Pháp là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 trong EU với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt khoảng 5,38 tỉ euro, tương đương hơn 6,3 tỉ USD.
Việt Nam – Pháp đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược trong năm 2023.
Minh Thu