Người già tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
Thực hiện chương trình “Người cao tuổi chung tay xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị và bảo vệ môi trường” của Trung ương Hội Người cao tuổi, để phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Thái Bình cũng phát động chương trình “Người cao tuổi chung tay xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường” đối với hội người cao tuổi các xã và “Người cao tuổi xây dựng nếp sống văn minh đô thị và bảo vệ môi trường” tại hội người cao tuổi các phường, thị trấn.
Khi Nhà nước đưa ra Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn thay đổi từng năm, đường sá sạch sẽ, bà Lê Oanh (Thuỵ Thanh, Thái Thuỵ, Thái Bình) đã không ngại vận động con cháu phá tường, hiến đất để mở đường rộng hơn, đường nông thôn to đẹp hơn.
Không chỉ hiến đất, bà Oanh cũng tham gia công tác môi trường nông thôn thường xuyên dọn vệ sinh sạch sẽ, chăm sóc hoa, cây cảnh khu vực đường tự quản để xây dựng miền quê đáng sống. Nhờ thế mà những tuyến đường nở hoa, đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Bà Nguyễn Thị Niên – 72 tuổi, trú tại xã Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình chia sẻ bà không có tiền để đóng góp với chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng khi có các buổi vận động bà con đi tổng vệ sinh, chính trang đường làng ngõ xóm, trồng và chăm đường hoa tự quản bà Niên tham gia rất tích cực. Ai cũng mong muốn góp ích cho xã hội nên người già làm việc của người già. Nhiều bạn đồng lão như bà Niên cũng tham gia giống như bà. Việc tham gia này vừa giáo dục con cháu xây dựng văn hoá nông thôn mới, vừa vui tuổi già.
Ông Vũ Xuân Tặng (Hội người cao tuổi xã Thuỷ Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng chia sẻ trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới tại địa phương ông cũng như nhiều thành viên của hội người cao tuổi cùng tham gia mở rộng đường giao thông liên thôn, liên xã, rải nhựa và bê tông hóa 15km đường trục của xã, trồng cây xanh và 2,5km đường hoa với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới vai trò của người cao tuổi đã đóng góp rất tích cực. Họ không chỉ tham gia chương trình theo kêu gọi của Mặt trận tổ quốc mà còn cả Hội người cao tuổi từ cấp thôn tới xã. Nhiều người cao tuổi đã lấy việc xây dựng nông thôn mới nhắc nhở con cháu tham gia tích cực, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện nay, các tuyến đường trục, liên xã, đường thôn, xóm, đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa 100%, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa và sản xuất cho nhân dân càng khiến cho mọi người vui vẻ và đặc biệt là người cao tuổi.
Ông Tặng cũng cho rằng người cao tuổi luôn đi đầu thực hiện tốt các nội dung về xây dựng nếp sống văn minh đô thị và bảo vệ môi trường; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ bảo đảm tiết kiệm; tích cực tham gia phong trào thi đua phát triển kinh tế, làm giàu, động viên con cháu tích cực khởi nghiệp, nâng cao thu nhập…
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả nước có 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; trong đó có 1.918.987 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17% tổng số người cao tuổi); có 7.294.100 người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 41,9%); tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước; người cao tuổi là dân tộc thiểu số chiếm gần 10%. Khoảng 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, chiếm 27,1% tổng số người cao tuổi (trong đó người cao tuổi hưởng lương hưu là 1,8 triệu người, chiếm 15,8% tổng số người cao tuổi). Gần 1,7 triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng (chiếm 14,8% tổng số người cao tuổi), 1,4 triệu người cao tuổi hưởng chính sách người có công (chiếm 12,3%).
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036 nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số. Khi đó Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già.
Tỷ lệ và số lượng người cao tuổi Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới. Nếu như các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ mới chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già (như Pháp: 115 năm, Thụy Điển: 85 năm, Hoa Kỳ: 70 năm…) thì Việt Nam được dự báo giai đoạn dân số già sẽ đến trong vòng 16 - 18 năm nữa. Như vậy, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Khánh Chi