Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ: Hành trình đưa các anh về cùng đồng đội
An táng hài cốt liệt sĩ |
Năm 2017, cùng với cả nước thiết thực lập thành tích kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), Ban Chỉ huy quân sự huyện (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 1237 huyện) đã đẩy mạnh công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên toàn huyện.
Gian nan việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Thượng tá Bùi Tấn Mẫn, Chính trị viên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thống Nhất cho biết: “Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Dù vất vả khó khăn, những người còn sống phải nỗ lực để tìm kiếm và đưa các anh về với quê hương, đồng đội.
Những cố gắng này đã được đền đáp, ngày 28/6/2017, cuộc tìm kiếm có kết quả với một mộ liệt sĩ tại ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2. Liên tiếp những ngày sau đó, mùng 3 và 5/7, tiếp tục tìm kiếm, phát hiện thêm 3 hài cốt liệt sĩ tại xã Quang Trung. Những hài cốt này được xác định là bộ đội ta hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được đưa về hương khói tại Đền thờ liệt sĩ huyện Thống Nhất”.
Ông Phạm Duy Long, xã Quang Trung, nhân chứng cung cấp thông tin cho hay, khi tôi được thừa kế miếng đất do bà ngoại để lại, tôi được nghe bà ngoại kể về chuyện có 3 bộ đội đánh Mỹ hy sinh ở khu vực Đồi Đại tá (Đồi Chuối thời đó), tôi đã báo với xã đội trưởng để có kế hoạch cất bốc.
“Khi gia đình về sinh sống tại đây, ngoại tôi thường kể đã từng có lần thấy linh hồn các anh hiện về ở ngay vườn chôm chôm của nhà. Tôi cũng nghe nhiều người dân khu vực lân cận kể đã từng gặp các anh ẩn hiện tại khu vực Đồi Chuối nên tôi đã báo với chính quyền để tìm kiếm đưa các anh, các chú về nghĩa trang”, anh Long nói.
Cũng theo anh Long, kể từ khi phát hiện khu vực nghi có hài cốt là Đồi Đại tá ngay trong vườn nhà, gia đình anh đã xếp đá và thắp hương vào dịp lễ trọng tháng 11 hàng năm.
Ông Hứa Văn Sủi-Nhân chứng phát hiện ra mộ liệt sỹ tại ấp Ngô Quyền xã Bàu Hàm 2 cho hay: Khu vực Măng Le (ấp Ngô Quyền ngày nay) chính là cái nôi, căn cứ cách mạng vào thời điểm ác liệt 1971-1972.
"Lúc đó tôi chừng 10 tuổi, hiểu và được chứng kiến cảnh địch giết hại rất nhiều đồng bào và chiến sĩ ta. Trong đó, chúng đã bắn chết một chiến sĩ cách mạng, sai lính trói chặt cổ chân rồi kéo lê chôn vội tại khu vực Măng Le.
Sau ngày giải phóng, tôi đã đưa nhiều đoàn về đây tìm kiếm nhưng chỉ tìm thấy mộ tập thể. Mới đây, nhiều người dân đã chứng kiến liệt sĩ thoắt ẩn, hiện, chúng tôi lại báo với xã đội, huyện đội để tổ chức tìm kiếm và ngày 28/6 đã phát hiện cất bốc được bộ hài cốt này vẫn còn nguyên dây trói cổ chân” - Ông Sủi kể lại.
Từ những tài liệu chứng cứ thu thập được, từ ngày 28/6 đến ngày 5/7, Ban chỉ đạo 1237 tỉnh Đồng Nai phối hợp với Ban chỉ đạo 1237 huyện Thống Nhất tổ chức khai quật 4 vị trí được cho là có chôn cất hài cốt liệt sỹ, trong đó có 3 vị trí tại đồi Thiếu tá thuộc ấp Lê Lợi xã Quang Trung, 1 vị trí tại khu rẫy thuộc ấp Ngô Quyền xã Bàu Hàm 2. Các vị trí này đều có nhân chứng cũng như được người dân giữ gìn, chăm sóc, thăm viếng thường xuyên.
Qua khai quật đã xác định các liệt sĩ trên hi sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ. Cả 4 liệt sỹ đều còn đủ hài cốt và một số di vật là quân tư trang, vật dụng cá nhân được trang bị cho bộ đội thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, không xác định được họ tên, năm sinh, quê quán, đơn vị trước lúc hi sinh. Sau khi khai quật và cất bốc, hài cốt các liệt sĩ trên đã được đưa về Đền thờ liệt sỹ huyện.
Thượng tá Bùi Tấn Mẫn đã trực tiếp đến khảo sát, tìm kiếm cùng đoàn công tác của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Thượng tá kể lại: “Điều đau xót nhất là khi tìm thấy hài cốt của liệt sĩ ở ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2 vẫn trong tư thế bị địch trói hai chân, kéo lê xuống hố chôn. Ngoài hài cốt, dây dù kéo và một số di vật của liệt sĩ vẫn còn nhưng không có thông tin về đơn vị, địa chỉ”.
Dù không rõ tên tuổi, địa chỉ, đơn vị, các anh, các chú được xác định là liệt sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, được quy tập cùng đồng đội. Tìm thấy và đưa các anh về vừa là trách nhiệm, sự tri ân, vừa thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017).
Tiếp tục Phát huy truyền thống anh hùng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện Thống Nhất đời đời khắc ghi sự hi sinh của các liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống vì độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, tri ân những gia đình chính sách, người có công cũng như tiếp tục tìm kiếm hài cốt những liệt sĩ hy sinh nhưng chưa tìm thấy trên địa bàn huyện Thống Nhất.