Phấn đấu đến 2025 Hà Nội đạt 50% thanh toán điện tử không dùng tiền mặt
Hàng loạt sự kiện diễn ra trong thời gian qua như sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ”, các sàn thương mại điện tử đã có lượng truy cập tăng từ 180% đến 250%. Các hệ thống trung tâm thương mại lớn có lượng khách hàng truy cập vào website, ứng dụng di động mua sắm tăng gần gấp 3 lần…
Hay sự kiện “Online xuống phố - kết nối cung cầu” đã có gần 3 triệu lượt truy cập vào các hệ thống website, ứng dụng của các doanh nghiệp tham gia.
Từ những con số này, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, từ thời điểm đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân Thủ đô và đến nay các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên rất phổ biến.
Theo đó, không chỉ có các loại thẻ mà còn thanh toán qua điện thoại di động, sử dụng các tài khoản của ngân hàng, các trung gian thanh toán như ví điện tử, quét mã QR,... Việc sử dụng các hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng, mobile money (tiền di động) trên điện thoại di động tại Hà Nội đã rất tiện lợi cho người dùng.
Những năm trước, chị Trương Hoa ở Hoàng Mai (Hà Nội) phải tranh thủ thời gian lên trường đóng tiền học, tiền ăn bán trú hàng tháng cho con. Có những thời điểm phải đóng tiền bận quá, chị đành cho tiền vào phong bì dán và ghi tên con, ghi số tiền bỏ vào cặp sách của con để nhờ cô giáo chủ nhiệm thu hộ.
Tuy nhiên, bằng cách này chị Hoa vẫn lo sợ con làm rơi. Vì thế, ngay khi cô giáo chủ nhiệm thông báo sẽ thu các khoản tiền hàng tháng qua ứng dụng Viettel money, chị đã rất mừng và cài đặt ngay vào điện thoại. Chị Hoa cho biết, phương thức nộp tiền học như vậy giúp chị tiết kiệm thời gian, dù ở đâu, lúc nào cũng có thể đóng tiền học cho con, vừa tiện lợi và an toàn.
Quét mã QR Code khi nhận hàng là một trong những biện pháp hiệu quả để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn.
Anh Nguyễn Tiến, 40 tuổi ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, anh rất ít khi sử dụng tiền mặt khi mua hàng online; hoặc anh sẽ trả tiền trước qua thẻ, hoặc là quét mã QR khi shipper đến, rất nhanh chóng và tiện lợi.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử.
Năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu để phấn đấu trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, thành phố giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về chỉ số thương mại điện tử (EBI) hàng năm. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%; 65% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 75% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 45%; doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động đạt 35%.
Đồng thời, duy trì 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc. Khai thuế, nộp thuế điện tử, duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 98%. Hay tăng lượng khách hàng thanh toán hóa đơn tiền nước trực tuyến lên 98%, tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt trên 99,7%...
Để tỷ trọng thanh toán không tiền mặt trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 45%, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sẽ chú trọng tập huấn các tiểu thương, hướng dẫn khách hàng mua sắm trực tuyến, nhắm đến các đối tượng ở mọi độ tuổi chứ không chỉ ở những người trẻ.
Khôi Nguyên