Đồng Nai: Thu tiền điện, trả lương hưu, khuyến khích tiêu dùng... không dùng tiền mặt
Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) cho biết, để thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, thời gian qua, PC Đồng Nai đã ký kết hợp đồng thu hộ tiền điện với 12 ngân hàng gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, ABbank, HDbank, VIB, Sacombank, SHB, LienViet PostBank, MB Bank, Techcombank và 8 tổ chức thanh toán trung gian: Airpay, Payoo, VNpay, Momo, Viettel, VNPT, Vimo, Zalopay.
Theo PC Đồng Nai, thông qua các kênh thanh toán trên, khách hàng có thể thanh toán tiền điện bằng hình thức trích nợ tự động, internet banking, quầy thu cố định, ví điện tử, các ứng dụng thanh toán khác…
Nhờ đó, tính đến nay, tỷ lệ khách hàng của công ty thanh toán tiền điện trực tuyến đạt hơn 85%, trong đó thanh toán trực tuyến qua ngân hàng đạt 28,1%, qua các tổ chức thanh toán trung gian 57,3%.
Để tăng cường thanh toán điện tử, giảm số lượng khách hàng sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán tiền điện và chi phí dịch vụ điện, PC Đồng Nai đã phối hợp cũng các đơn vị thu hộ trong công tác truyền thông về thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; hướng dẫn khách hàng sử dụng các kênh thanh toán điện tử để khách hàng tin tưởng sử dụng.
Đồng thời chủ động phối hợp cùng các đơn vị thu hộ quảng bá đến khách hàng các chương trình ưu đãi, khuyến mãi khi chọn hình thức thanh toán qua các ứng dụng trực tuyến mà đơn vị thu hộ đang cung cấp.
Trước đó, để đẩy mạnh thanh toán trực tuyến qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, tiến tới ngưng thu tiền mặt tại nhà nhằm giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng giúp ngành Điện nâng cao hiệu quả phục vụ, PC Đồng Nai cho biết, hết năm 2020 Công ty đã ngưng thu tiền điện tại nhà.
Không riêng gì ngành điện, ở Đồng Nai, nhiều ngành, đơn vị và địa phương cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và được người dân hưởng ứng.
Theo thông tin từ BHXH tỉnh Đồng Nai, đến nay toàn tỉnh có hơn 25,4 ngàn người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua số tài khoản cá nhân với tổng số tiền hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.
Trong số đó, tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng nhận qua tài khoản cá nhân (ATM) tại khu vực đô thị là 45%, tăng 6% so với năm 2021 và vượt 3% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.
Đối với người hưởng các chế độ BHXH 1 lần (bao gồm trợ cấp BHXH 1 lần, tuất 1 lần, mai táng phí, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), tỷ lệ nhận tiền qua tài khoản cá nhân là 99%, vượt 4% về số người hưởng so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Riêng người hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân là 100%, vượt 2% về số người hưởng so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.
Mới đây, vào cuối tháng 11/2022, TP Biên Hòa đã tổ chức phát động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhằm khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, quét mã QR…
Để hưởng ứng chương trình này, 100% cơ sở Đoàn khối phường, xã của TP Biên Hòa đã ra quân, các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia tuyên truyền, khảo sát các hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ việc thực hiện các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Kết quả, đã có 128 cửa hàng, hộ kinh doanh đăng ký tham gia, lồng ghép tuyên truyền đến cán bộ, đoàn viên thanh niên, người dân thực hiện cài đặt ứng dụng (app) Biên Hòa SmartCity và các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt….
Còn tại TP Long Khánh, thời gian qua, song song với việc đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy chính quyền số, xã hội số, thành phố có hướng tới phát triển mô hình kinh tế số, chính quyền địa phương cũng đã triển khai nhiều hoạt động khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ ngân hàng số…
Trong đó, địa phương đã làm việc với các đơn vị liên quan như: ngân hàng, viễn thông… thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ hành chính công có thu phí, lệ phí.
Bên cạnh đó, mới đây, thành phố cũng đã triển khai thí điểm tuyến đường không dùng tiền mặt trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai trên địa bàn thành phố. Thông qua đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên tuyền đến các chủ cửa hàng kinh doanh, người dân về những tiện ích của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Để thúc đẩy và khuyến khích khách hàng, người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại Đồng Nai, nhiều chi nhánh ngân trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động gia tăng các dịch vụ ngân hàng tiện ích, nâng cao chất lượng giao dịch thẻ, áp dụng thêm nhiều phương thức bảo mật, hạn chế rủi ro đối với tài khoản của khách hàng.
Hiện nay, các ứng dụng mobile banking, ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như: thanh toán hóa đơn, thương mại điện tử, đặt tour du lịch… Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo, từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các dịch vụ thẻ, internet banking, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển khá nhanh và ngày càng được nhiều người dân đăng ký sử dụng với nhiều tiện ích ngân hàng, thanh toán trực tuyến thuận tiện, nhanh chóng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, tính đến giữa năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 697 máy ATM của 55 chi nhánh ngân hàng lắp đặt. Trong đó, hệ thống Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có số lượng máy ATM nhiều nhất, với 186 máy. Hệ thống máy ATM phục vụ chi trả lương qua tài khoản cho hơn 4,3 ngàn doanh nghiệp/tổ chức với hơn 1,9 triệu người lao động được trả lương qua tài khoản.
Nguyễn Vũ