11 tháng đầu năm, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6%
Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%.
NHNN thường xuyên, chủ động theo dõi, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
NHNN đặt mục tiêu năm 2023 tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng để áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng...
Về phía tổ chức tín dụng, đến nay hầu hết các tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số; tích cực ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 hoặc hợp tác với công ty Fintech nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng trong hoạt động thanh toán.
Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%; nhiều ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%;...
Hiện nay, người dân cũng đã hiểu được những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt đem lại. Nếu như trước đây người tiêu dùng luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì giờ đây chỉ với một tấm thẻ hay điện thoại di động là đã hoàn tất quá trình thanh toán. Các cửa hàng, quán cafe, nhà hàng,... đã chuẩn bị sẵn những thiết bị cần thiết để người tiêu dùng có thể thanh toán bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua.
Báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, NHNN được xếp vị trí thứ nhất về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ hai về chỉ số thể chế số và xếp thứ tư về chỉ số hoạt động chuyển đổi số.
Đến nay, NHNN đã hoàn thành thử nghiệm kỹ thuật kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác phòng chống rửa tiền, thông tin tín dụng và dịch vụ công NHNN; phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh hệ thống dịch vụ công và gửi hồ sơ đăng ký khai thác khi kết nối chính thức.
Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ phê duyệt, đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng; Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 450.000 điểm.
Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh di động từ 50-80% và giá trị đạt 80-100%; Tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh internet đạt 30-40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sẻ dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Đối với dịch vụ công, phấn đấu 90-100% cơ sở giáo dục ở đô thị, 60% cơ sở khám chữa bệnh ở đô thị, chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 60% người nhận lương hưu và trợ cấp xã hội ở đô thị được chi trả theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuân Nguyễn