Thái Bình: Thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 76% tổng doanh số
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh Thái Bình cho biết, để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ hiện đại triển khai các ứng dụng thanh toán trực tuyến như: thanh toán điện tử, thẻ ATM, E-banking, smart banking, internet banking, thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS)…, kèm theo đó là các chương trình ưu đãi khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Giám đốc NHNN chi nhánh Thái Bình Phan Thị Tuyết Trinh cho biết, hiện tỉnh Thái Bình có 26 chi nhánh ngân hàng, 85 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, 8 chi nhánh cấp huyện và thành phố, 91 phòng giao dịch, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô, 44 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 62 xã và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn.
Việc ứng dụng công nghệ và đầu tư trang thiết bị hạ tầng cơ sở phục vụ cho các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được các ngân hàng chú trọng phát triển.
Đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt 200 máy ATM, hơn 920 thiết bị chấp nhận thẻ POS, mở gần 1,4 triệu tài khoản, phát hành trên 1,6 triệu thẻ thanh toán các loại.
Về hoạt động thanh toán, hiện thực hiện trả lương qua tài khoản cho 1.900 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp, với 171 ngàn lao động.
Trong quý 1/2022, doanh số thanh toán qua ngân hàng trong toàn tỉnh ước đạt 390 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến nay, doanh số thanh toán qua ngân hàng đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm khoảng 76% tổng doanh số thanh toán, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài các phương thức thanh toán qua thẻ, các TCTD trên địa bàn cũng triển khai phương thức thanh toán thông qua các app ứng dụng trên điện thoại thông minh như internet banking, mobile banking và các ví điện tử như: ViettelPay, ZaloPay, Ví MoMo...
Tại Thái Bình, Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển BIDV chi nhánh Thái Bình là một trong những ngân hàng thúc đẩy hoạt động về thanh toán không dùng tiền mặt mạnh mẽ.
Theo đó, BIDV chi nhánh Thái Bình phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng như: Smartbanking, BIDV Ibank.
Ngoài ra, còn đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR Code, thanh toán di động, ví điện tử; đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác. Đơn cử như: chuyển tiền, gửi tiết kiệm, vay cầm cố, bán ngoại tệ, các giao dịch thanh toán tài trợ thương mại. tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác.
Theo BIDV chi nhánh Thái Bình, tính từ đầu năm đến nay, tổng doanh số thanh toán tại ngân hàng này đạt gần 19.350 tỷ đồng. Trong đó thanh toán không dùng tiền mặt xấp xỉ 16.170 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 84%.
Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Thái Bình, hiện, thanh toán không dùng tiền mặt của chi nhánh chiếm hơn 50% tổng doanh số thanh toán, trong đó có 6.904 giao dịch qua POS, 782.528 giao dịch qua ATM và 902.207 giao dịch qua ngân hàng điện tử.
Theo mục tiêu về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2025, Thái Bình sẽ tăng trưởng doanh số TTKDTM qua hệ thống ngân hàng bình quân đạt 20 - 25%/năm.
Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 1.600 điểm.
Phấn đấu ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.
Đến hết năm 2025, Thái Bình sẽ lắp đặt khoảng 240 máy ATM, 1.200 máy POS, mở trên 1,5 triệu tài khoản cá nhân, phát hành trên 1,7 triệu thẻ thanh toán các loại; tối thiểu 90% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM, từ 90 - 100% trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, 60% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM, 60% người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.
Nguyễn Vũ