Giới trẻ mua sắm khắp nơi không cần dùng đến tiền mặt
Thường xuyên thanh toán qua thẻ ngân hàng khi mua sắm tại siêu thị, các cửa hàng bán lẻ, chị Thu Phương (24 tuổi) ở Hà Nội cho biết, hình thức thanh toán này nhanh chóng và tiện lợi, thay vì phải mang theo khá nhiều tiền mặt, thì nay chỉ cần quẹt thẻ và nhập số tiền là giao dịch hoàn tất.
Theo chị Phương, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng thẻ hay quét mã QR đều rất tiện lợi khi mua sắm nhiều đồ như thế này, không cần mang theo nhiều tiền mặt, mà chỉ cần cầm theo thẻ ngân hàng hoặc điện thoại là có thể thanh toán khoản mua sắm từ vài trăm đến vài chục triệu đồng.
Chủ một cửa hàng tạp hóa ở Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, hình thức thanh toán quét mã QR thuận tiện cho công việc mua bán, dễ sử dụng, giúp người mua, bán chủ động thống kê được ngay các khoản thu - chi trong ngày, không phải tính toán thủ công như trước. Hơn nữa, khi khách đông việc thanh toán cũng rất nhanh gọn, nhân viên đỡ được khâu nhận tiền mặt, đếm tiền thừa thiếu trả lại khách.
Chuyên đồ thời trang nam, nhân viên một cửa hàng thời trang ở phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chủ shop thời trang đã trang bị sẵn mã QR đặt ngay trên quầy thanh toán để khách hàng thuận tiện, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt thay vì trước đây mỗi lần bán hàng phải nhận tiền mặt, vừa mất công đếm lại phải cộng, trừ để trả lại tiền thừa cho khách hàng.
“Những lúc khách đông, đọc dãy số dài có khi khách nghe nhầm rồi đọc đi đọc lại khá mất thời gian; còn hiện nay, khách chỉ cần quét mã QR, việc thanh toán tiền thuận lợi hơn nhiều. Khách chỉ cần quét mã và một vài thao tác đơn giản là giao dịch thanh toán xong, nhân viên chụp lại màn hình thanh toán thành công của khách để đối chiếu với chủ sau khi hết ca. Hơn nữa, tệp khách hàng của cửa hàng chủ yếu là giới trẻ nên việc thanh toán không dùng tiền mặt được nhiều khách sử dụng, thuận tiện cho cả người bán lẫn khách hàng”, nhân viên bán hàng cho biết.
Sở hữu 2 tài khoản ngân hàng khác nhau và 2 ví điện tử, Phương Thanh, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, cô đã quên thói quen cầm ví tiền mỗi khi ra ngoài. Thay vào đó, điện thoại là thứ luôn đi theo người nên chỉ cần có chiếc điện thoại có 4G là có thể mua sắm đủ thứ.
Thanh cho biết, cô thường “săn” các chương trình khuyến mại hoặc hoàn tiền trên các app thanh toán điện tử. Không chỉ mua được các sản phẩm rẻ, Thanh còn được trải nghiệm nhiều dịch vụ tiện ích liên quan đến thanh toán một chạm vừa tiện, vừa hưởng chiết khấu giảm giá.
Hiện nay, hầu khắp các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi như Big C, Go, Winmart, Saigon Co.op, Aeon mall… trên địa bàn Hà Nội đều sử dụng máy quẹt thẻ, thanh toán ví điện tử bằng mã QR, hay chuyển tiền qua ngân hàng cũng quét mã QR nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích cho khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt khi đến vui chơi, mua sắm.
Chị Nguyễn Thương ở Đống Đa (Hà Nội) còn chia sẻ, khi đi mua sắm tại cửa hàng đúng thời điểm áp dụng giảm giá nếu thanh toán bằng mã VNPAY-QR, chị còn nhờ nhân viên bán hàng tách hóa đơn mua hàng hơn 2 triệu đồng thành 3-4 hóa đơn để được hưởng giảm giá.
Chị Thương cho biết, chị liên tục nhận được các mã giảm giá của ngân hàng khi thanh toán bằng cách quét mã VNPAY-QR, như mã giảm giá đến 30.000 đồng khi thanh toán cho đơn hàng từ 400.000 đồng, giảm 25.000 đồng cho đơn hàng từ 300.000 đồng trở lên. Do vậy, việc tách hóa đơn khi thanh toán chị sẽ được hưởng nhiều ưu đãi.
“Không những được hưởng ưu đãi, mà hầu như cửa hàng nào cũng dán sẵn số tài khoản ở quầy thanh toán, có dán mã QR code. Với mã này chỉ cần mở ứng dụng mobile banking trên điện thoại, sử dụng tính năng quét mã QR là dễ dàng thanh toán. Đây là hình thức thanh toán rất tiện lợi, nhanh chóng, mình cảm thấy rất thích dùng”, chị Thương chia sẻ thêm.
Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhiều ngân hàng đã triển khai các hoạt động như mở tài khoản thanh toán, gửi tiết kiệm được số hoá 100%. Hiện đã có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng.
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ còn được tiếp tục đẩy mạnh khi theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025.
Khôi Nguyên