Hướng tới kho bạc số, năm 2025 KBNN Đà Nẵng sẽ không còn giao dịch tiền mặt
Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đà Nẵng, từ năm 2009, KBNN Đà Nẵng là cơ quan đầu tiên và sớm nhất trong hệ thống KBNN phối hợp với các ngân hàng thương mại thực hiện thu ngân sách nhà nước.
Theo đó, từ 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, các đơn vị đã tách ra mỗi chi nhánh thành hai, ba chi nhánh cấp I và tiếp tục mở rộng các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh với KBNN Đà Nẵng tham gia phối hợp thu ngân sách nhà nước, như: MBBank, SHB, VPbank, SeaBank, LienVietpostBank....
Những năm qua, KBNN Đà Nẵng đã tiến hành cải cách hành chính mạnh mẽ, đã cùng với Cục Thuế, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ trong việc thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là việc triển khai dịch vụ tài chính công trực tuyến phối hợp với các NHTM đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trong việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.
Chính vì thế, từ năm 2009 với 4 ngân hàng thương mại ban đầu , đến thời điểm hiện tại, hệ thống KBNN Đà Nẵng đã phối hợp thu với 21 chi nhánh của 9 hệ thống NHTM trên địa bàn gồm: Agribank, MBbank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB, VPbank, Seabank, Lienvietpostbank.
Riêng đối với Ngân hàng Hàng hải chi nhánh Đà Nẵng (MSB), KBNN Đà Nẵng đang trong quy trình hoàn tất thủ tục phối hợp thu. Số điểm thu hộ NSNN của NHTM tăng lên theo thời gian: Năm 2020 là 104 điểm thu, Năm 2021 là 117 điểm thu, Năm 2022 là 120 điểm thu.
Ngoài ra, từ năm 2017, KBNN Đà Nẵng phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ thu ngân sách qua máy POS nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách qua máy POS trên địa bàn thành phố là 258 giao dịch với tổng số tiền 3,34 tỷ đồng.
Hướng tới khó bạc số, kho bạc 3 không
Nhằm thúc đẩy hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu đến năm 2025 không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và hạn chế thấp nhất các giao dịch thu bằng tiền mặt, KBNN Đà Nẵng cho biết hiện đơn vị đang tập trung xây dựng kho bạc điện tử, tiến tới kho bạc số với mục tiêu 3 không: không khách hàng đến giao dịch, không tiền mặt và không chứng từ giấy.
Để thực hiện mục tiêu này, KBNN Đà Nẵng cũng đã triển khai các giải pháp trong việc thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm dần tỷ lệ thu, chi tiền mặt qua KBNN và tiến tới hình thành Kho bạc không có tiền mặt trên cơ sở hiện đại hóa các hình thức thanh toán, đảm bảo phù hợp với xu thế chung của đất nước, của khu vực và thế giới về phát triển các giao dịch không dùng tiền mặt như: dừng giao dịch thu NSNN bằng tiền mặt vào thứ Bảy, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp thu NSNN vào thứ Bảy có thể nộp tại các NHTM được KBNN Đà Nẵng phối hợp thu trên địa bàn.
Ngoài ra, KBNN Đà Nẵng vận động, khuyến khích các đơn vị sử dụng ngân sách khi có nhu cầu rút tiền mặt có thể rút tại ngân hàng thương mại đối với các khoản chi dưới 100.000.000 đồng nhằm giảm dần tỷ lệ chi tiền mặt tại KBNN Đà Nẵng.
Nhờ đó, 3 năm trở lại đây, KBNN Đà Nẵng cũng như kho bạc chi nhánh tại các quận, huyện hầu như không có cảnh người chờ làm thủ tục; quầy giao dịch hồ sơ luôn chồng chất giấy tờ chờ kiểm soát, thanh toán; máy đếm tiền tại quầy thu, chi tiền mặt hoạt động hết công suất như trước đây.
Đến nay, 100% chứng từ điện tử thanh toán đều thông qua dịch vụ công trực tuyến nên lượng hồ sơ giấy trong giao dịch qua Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng được cắt giảm hầu hết.
Phó Giám đốc KBNN Đà Nẵng Mai Phước Thành cho biết, trong thời gian tới KBNN Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Thuế, Cục Hải quan và các NHTM để thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp thu và thanh toán không dùng tiền mặt, phối hợp xử lý các vấn đề còn tồn tại.
KBNN Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và hạn chế thấp nhất các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN Đà Nẵng.
Nguyễn Yến