Khi người dân quê dần quen với thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) thông tin, trong thời gian qua, NHNN đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cụ thể, NHNN đã ban hành các thông tư, hướng dẫn mở tài khoản định danh khách hàng điện tử theo phương thức e-KYC, giúp khách hàng không cần đến ngân hàng mà vẫn có thể mở được tài khoản thanh toán để thực hiện giao dịch.
Có thể nói, thanh toán điện tử giờ đây đã trở nên quen thuộc đối với số đông người dân sinh sống ở nông thôn.
Bà Hồ Thị Minh Nguyệt, Giáo viên Trường THCS Trần Nhân Tông, Nam Định, cho biết: “Đầu những năm 2000, khi còn là sinh viên học đại học ở Hà Nội, mỗi tháng bố tôi ở quê gửi tiền lên cho tôi thì gửi theo đường bưu điện, hoặc gửi qua xe khách, dù gửi theo phương thức nào thì cũng thấy bất tiện. Thế nhưng giờ đây khi con gái tôi đang học Đại học tại Hà Nội, hàng tháng tôi chỉ cần chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng thông qua mobile – banking là xong. Thậm chí các cháu cũng chẳng cần rút tiền mặt để chi tiêu vì đã có điện thoại thông minh”.
Chị Nguyệt Minh cho biết, bản thân chị tuy ở tỉnh lẻ nhưng từ lâu cũng đã quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là từ sau khi các ngân hàng kết hợp với các đơn vị trung gian thanh toán qua Viettel, ví điện tử Momo,…
Có thể thấy hình thức phối hợp giữa các ngân hàng và đơn vị trung gian thanh toán đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, chỉ riêng Mobile Money đã trở thành một lực đẩy quan trọng trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn và miền núi, dù thời gian được cấp phép là chưa lâu.
Cho tới thời điểm hiện tại, có gần 72.000 điểm giao dịch cung cấp dịch vụ Mobile Money, trong đó có 39.000 điểm giao dịch nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có gần 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ này, trong đó 37,5% khách hàng ở nông thôn với tổng giá trị giao dịch đạt 167.680 tỷ đồng.
“Đây là con số rất ấn tượng. Có thể nói, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo”, ông Tuấn nhận định.
Theo ông Đinh Quang Dân - Phó ban Khách hàng cá nhân Ngân hàng Agribank, ba năm vừa qua, tỷ lệ khách hàng mở tài khoản mới cũng như đăng ký dịch vụ ngân hàng số tại các tỉnh cũng như các thành phố trực thuộc Trung ương loại II, vùng sâu vùng xa có xu hướng tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy thói quen sử dụng tiền mặt của người dân đã thay đổi.
Cũng nhờ các quy định pháp lý do NHNN ban hành, các NHTM trong đó có Agribank đã có điều kiện tung ra nhiều sản phẩm mới như mở tài khoản bằng phương thức e-KYC, phát triển dịch vụ e-mobile, internet banking, và kết nối với các Fintech, thực hiện chi-thu hộ cho các đối tác…
Cũng theo đại diện từ Agribank, từ việc tiếp xúc khách hàng vùng nông thôn chủ yếu là tại quầy, nay Agribank đã có những ngân hàng lưu động có thể chạy đến từng ngõ ngách, từng điểm để khách hàng giao dịch được thuận tiện.
Mặc dù vậy, một bộ phận không nhỏ người dân ở các vùng sâu, vùng xa vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, và tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến.
Mặt khác, vấn đề về tội phạm công nghệ cao phát triển ngày càng nhiều, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.
Để giải quyết tình trạng trên, cần nâng cao nhận thức của người dân về những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo mật tài khoản để tránh bị mất tiền trong tài khoản.
Ngân Giang