Đi chợ thời 4.0: Từ mua thịt đến hoa quả đều không cần mang theo tiền mặt
Việc thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng tất yếu, khi ngay cả những khu vực trước đây có hạn chế như chợ truyền thống, chợ ‘cóc’ thì nay số lượng sử dụng dùng chuyển khoản hay thanh toán qua quét mã QR đang là phổ biến.
Sáng sớm, chị Thu Huyền ở Hoàng Mai (Hà Nội) đi bộ tập thể dục rồi tiện ghé qua chợ ‘cóc’ gần nhà, thấy rau củ tươi ngon, chị Thu Huyền mới nhớ ra mình không mang đồng tiền nào trong túi. Nếu trước đây thì chị đã chạy vội về nhà lấy tiền rồi quay lại chợ, thế nhưng hôm nay chị Huyền vẫn rẽ vào chọn mua những mớ rau tươi ngon nhất.
Sau khi chọn rau xong, chị Huyền được người bán hàng đưa mã quét QR để thực hiện thanh toán mà không cần dùng đến tiền mặt.
“Chỉ cần mình có tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc trong điện thoại có sử dụng app ví điện tử thì bất kỳ nào, ở đâu, khi đi chợ hay không chủ động đi chợ nếu thấy hàng tươi ngon vẫn có thể mua, không phải lo lắng nếu không mang theo tiền mặt.
Hiện ở các chợ, các chủ sạp hàng rau củ, thịt cá… đều có dịch vụ quét mã QR thanh toán nên rất tiện lợi. Mua rau chỉ hơn 10.000 đồng cũng chuyển đủ không thiếu một đồng lẻ, không lo đưa nhầm, trả nhầm như khi dùng tiền mặt”, chị Huyền nói.
Theo khảo sát của PV Infonet tại một số khu chợ truyền thống hay chợ ‘cóc’ ở khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội), hầu khắp cửa hàng bán cố định đều có mã QR cho khách hàng chuyển tiền.
Chị Nguyễn Dung, một tiểu thương bán thịt bò cho biết, khách hàng giờ rất chuộng hình thức quẹt thẻ, quét mã QR thay vì thanh toán tiền mặt vì hầu như ai cũng có trong tay điện thoại di động thông minh, chỉ cần 1-2 thao tác là có thể trả tiền được ngay, chứ không cần cầm tiền lẻ, đếm đi đếm lại, nhớ nhớ quên quên rất phức tạp.
Theo quan sát của chị Dung, có đến gần 60% khách hàng mua thịt bò tại cửa hàng của chị sử dụng cách thanh toán không dùng tiền mặt.
“Từ ngày thanh toán bằng hình thức quét mã QR này tôi không phải bận tâm quá nhiều đến việc đếm tiền hay trả lại tiền thừa cho khách nữa”, chị Dung chia sẻ.
Anh Quốc Dũng, tiểu thương bán gà cho hay, việc thanh toán không dùng tiền mặt vô cùng có lợi, điều này anh nhận ra trong thời gian Hà Nội xảy ra đại dịch Covid-19.
“Khi dịch bệnh, ai ai cũng ngại tiếp xúc với tiền mặt, nhất là hàng gà tươi của chúng tôi. Thế nhưng việc giao dịch quét mã QR mang lại sự tiện lợi cho cả khách và tôi. Thế nên tôi làm tấm biển mã QR treo ngay tại sọt gà tiện lợi cho khách dễ thấy, khi khách đứng chờ tôi làm gà thì có thể tranh thủ thanh toán bằng cách quét mã chuyển khoản mà không dùng tiền mặt”, anh Dũng chia sẻ sự tiện lợi về thanh toán không dùng tiền mặt.
Cũng theo anh Dũng, hầu như khách hàng mua gà ở độ tuổi từ 25-55 tuổi đều thích thanh toán mã quét QR, chỉ có những khách hàng nhiều tuổi hơn thì vẫn trả tiền mặt.
Không chỉ hàng thực phẩm có giá trị cao, hàng rau củ tại khu vực chợ truyền thống này cũng được người bán hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Theo người bán mặt hàng rau củ, có khi người đi chợ chỉ mua bó rau 10.000 đồng, hoặc mua hàng với số tiền lẻ như 23.000 đồng, 29.000 đồng… việc thanh toán khi quét mã QR rất tiện lợi.
Cách hàng gà không xa, hàng hoa quả của cô Nguyễn Thị Thúy cũng có tới hai mã quét QR ở hai ngân hàng khác nhau để cho khách dễ lựa chọn.
Bán khoảng trên chục loại hoa quả mỗi ngày, cô Thúy cho biết, trước đây cô vẫn nhận tiền chuyển qua tài khoản nhưng phải mất công đọc số tài khoản cả dãy số dài cho khách. Hiện tại, để thuận tiện cho khách, cô đăng ký thêm dịch vụ quét mã QR để khách mua hàng tiện thanh toán hơn.
“Chỉ cần quét mã QR là người mua hàng có thể trả tiền thuận tiện, nhanh chóng; còn người bán như tôi không cần phải mang nhiều tiền để trả lại cho khách. Tôi thấy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện cho cả người mua lẫn người bán”, cô Thúy cho biết thêm.
Khôi Nguyên