Thời tiết giao mùa, người mắc bệnh này rất dễ tái phát
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh hô hấp phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta và có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện nay, COPD là một trong 3 nguyên nhân tử vong hàng đầu trên Thế giới và 90% số ca tử vong này nằm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc COPD đứng hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây là bệnh tiến triển nặng dần, không hồi phục do có những đợt cấp và xuất hiện các biến chứng trầm trọng gây tàn phế và đưa đến tử vong như suy hô hấp mạn tính, suy tim phải.
Đáng ngại là, cứ đến thời điểm giao mùa, số bệnh nhân đến khám vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) tại các bệnh viện có chuyên khoa hô hấp lại tăng cao.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang những ngày này số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gia tăng đáng kể. Các bệnh nhân nhập viện đa phần là bệnh nhân trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc nghề nghiệp có tiếp xúc với khói, bụi ô nhiễm…bệnh nhân thường đến khám vì ho, khạc đờm, khó thở…
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai.
BS. CKII Trịnh Thị Thái - Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là trong mùa lạnh, bệnh nhân COPD rất dễ nhiễm các loại virus và vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên và dưới, làm tăng tình trạng co thắt phế quản, tăng dịch nhầy trong đường hô hấp do đó bệnh nhân bị khó thở nặng hơn.
Đáng lưu ý, vào thời điểm giao mùa, nếu không dự phòng cẩn thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể tái phát và tiến triển rất nhanh.
Theo BS. Phạm Văn Luận, Khoa Nội Hô hấp – Bệnh viện TWQĐ 108, có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc COPD bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ môi trường bên ngoài.
Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất. Khói thuốc lá, thuốc lào kể cả hút chủ động hay thụ động là nguy cơ hàng đầu gây COPD.
Nghiên cứu tại Việt Nam đưa ra tỷ lệ COPD trong nhóm hút thuốc cao gấp 3,4 lần nhóm không hút thuốc đối với cả 2 giới. Các yếu tố nguy cơ khác như người làm việc trong môi trường có nhiều bụi và hóa chất nghề nghiệp với thời gian lâu, cường độ mạnh thì có thể dẫn đến COPD và khi có thêm khói thuốc lá thì tiến triển của bệnh càng nặng hơn.
Cần chú ý cả những người sống ở nơi bị ô nhiễm không khí (kể cả không khí trong và ngoài nhà) cũng có nguy cơ mắc COPD: Nồng độ ô nhiễm không khí cao ở thành thị rất có hại cho người bệnh tim và phổi. Sự ô nhiễm không khí trong nhà như khói từ các chất đốt củi, rơm rạ, than…đặc biệt ở nơi thông gió kém là các nguy cơ cao gây COPD.
BS. Phạm Văn Luận cũng nhấn mạnh, triệu chứng cơ năng nổi bật nhất của COPD là ho khạc đờm mạn tính và khó thở. Lúc đầu thường ho cách quãng, sau ho cả ngày vào đa số các ngày trong tuần, nếu điển hình có thể ho kéo dài đến 3 tháng trong một năm và liên tục từ 2 năm trở lên. Khạc đờm vào buổi sáng, thường xuyên, đờm trong và nhày số lượng ít sau khi ho. Tuy nhiên một số trường hợp có thể không ho, hoặc rất ít ho mà triệu chứng chủ yếu là khó thở từ từ tăng dần, lúc dầu là khó thở khi gắng sức, về sau khó thở xuất hiện cả khi nghỉ.
Để phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, BS. CKII Trịnh Thị Thái cho rằng cách tốt nhất là không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh khói bụi, tạo môi trường sống và làm việc trong lành; Giữ gìn sức khỏe, giữ ấm vào mùa lạnh; Tiêm vắc-xin phòng cúm, phòng phế cầu để ngăn ngừa đợt cấp; Cải thiện tình trạng dinh dưỡng: ăn nhiều bữa nhỏ, đủ chất dinh dưỡng…
“Người dân nên đi khám để phát hiện sớm COPD nếu có các biểu hiện: ho liên tục, thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng, tình trạng ho, khó thở nặng dần theo thời gian”, BS Trịnh Thị Thái khuyến cáo.
N. Huyền