Giá trị hàng hóa xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam – Australia tăng cao
Kể từ khi Việt Nam chính thức thi hành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ ngày 14/01/2019, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia đã liên tục tăng trưởng nhờ chính sách miễn thuế và sáng kiến quản lý giữa hai bên.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố vào năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Australia đã lần đầu tiên đạt 12,4 tỉ USD, tăng 49% so với năm 2020.
Thành tựu này đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ 12 trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Australia, và Australia cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam. Ngoài ra, giá trị vận tải hàng hóa của Việt Nam sang Australia cũng đạt hơn 4,45 tỉ USD vào năm 2021, tăng hơn 23% so với năm 2020.
CPTPP gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealan, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định CPTPP đã được ký kết và có hiệu lực trong năm 2018, nhưng tới ngày 14/01/2019 Việt Nam mới chính thức thi hành.
Việt Nam đã xuất nhập khẩu hàng hóa sang Australia có tổng trị giá là 1,38 tỉ USD trong quý I năm 2022, tăng 32,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia ghi nhận mức tăng mạnh nhất là nông sản và công nghiệp. Cụ thể, xuất khẩu cà phê tăng 84%, thủy sản 51%, cao su tăng 41%, cáp điện tăng 26%. Đáng chú ý nhất là xuất khẩu sắt thép tăng phi mã với tỷ lệ hơn 500% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Australia trong năm 2021 phải kể tới điện và thiết bị điện là 1,87 tỉ USD; giày dép 43,5 triệu USD; nhiên liệu khoáng sản và dầu 303,8 triệu USD; nội thất và tòa nhà tiền chế 275,77 triệu USD; quần áo 212,9 triệu USD; cá và thủy sản 189,8 triệu USD.
Về lĩnh vực nhập khẩu, Việt Nam đã nhập gần 8 tỉ USD hàng hóa từ Australia trong năm 2021, tăng 70% so với năm 2020. Số lượng lớn nguyên liệu thiết yếu được Việt Nam nhập khẩu từ Australia có than, quặng sắt, kim loại, cotton, lúa mì và thức ăn gia súc. Điển hình, giá trị nhập khẩu than từ Australia sang Việt Nam trong quý I năm 2021 đã tăng hơn 176% so với cùng kỳ một năm trước đó, và nhập khẩu cotton cũng tăng 333% trong quý I năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Giá trị những mặt hàng chủ chốt được Australia xuất sang Việt Nam trong năm 2021 có nhiên liệu khoáng sản và dầu là 1,81 tỉ USD; quặng, xỉ và tro 1,36 tỉ USD; ngũ cốc 1 tỉ USD; cotton 616 triệu USD; nhôm 324,4 triệu USD; động vật sống 243,4 triệu USD, sắt thép 239,8 triệu USD; đồng 225,9 triệu USD.
Tính tới cuối năm 2021, Australia có khoảng 550 dự án đầu tư FDI tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư gần 2 tỉ USD. Australia hiện là nhà đầu tư lớn thứ 19 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, con số này chưa tương xứng với tiềm năng thương mại song phương giữa hai nước, bởi Australia hiện là nhà đầu tư FDI lớn thứ 15 trên thế giới và Việt Nam nằm trong Top 20 điểm đến FDI trên toàn cầu vào năm 2020.
Ngoài ra, với việc có chung 3 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, Australia hiện chỉ xếp thứ 19 trong danh sách các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Vị trí này còn chưa bằng các đối tác chưa ký kết FTA với Việt Nam như Đài Loan hay Switzerland.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, vào tháng 12/2021, chính phủ Việt Nam và Australia đã ra thông báo về Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế (EEES) để đẩy mạnh thương mại và tăng gấp đôi đầu tư song phương giữa hai nước.
Chiến lược nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh - đầu tư, xúc tiến thương mại và đầu tư tự do, cởi mở giữa nền kinh tế Việt Nam và Australia. Đầu tư hai bên sẽ tập trung vào giáo dục, kỹ năng và đào tạo; nguồn nhân lực và năng lượng; nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp; sản xuất; du lịch; khoa học, công nghệ và cải tiến; kinh tế số; và các ngành dịch vụ khác.
Tuy nhiên, để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, Việt Nam sẽ cần tăng cường năng lực quản lý của chính phủ, đẩy mạnh cải cách hành chính, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, hai bên cần tiến hành thêm các cuộc đối thoại với các nhà đầu tư và đẩy mạnh kết nối giữa các công ty Việt Nam với đối tác Australia.
Hiện nay, đa phần vốn đầu tư FDI từ Australia tại Việt Nam đang tập trung vào ngành sản xuất và chế biến với tỷ lệ là 47,2%. Trong đó tập đoàn BlueScope đang dẫn đầu và là nhà đầu tư lớn nhất của Australia tại Việt Nam.
Số vốn FDI còn lại được đầu tư vào ngành nhà hàng và khách sạn 8,1%; xây dựng và bất động sản 7,1%; nông thủy sản 6,4%; chăm sóc y tế 6,1%, khai khoáng 5,9%; giải trí 5,5%; và giáo dục đào tạo 4,1%.
Trong đó, Australia hiện là nhà đầu tư hàng đầu vào ngành nông thủy sản của Việt Nam. Sự hiện diện đáng chú ý của Australia trong ngành giáo dục và đào tạo, cũng như ngành nông nghiệp của Việt Nam hoàn toàn khác xa so với nguồn vốn FDI mà các quốc gia khác rót vào hai lĩnh vực này tại Việt Nam.
Chính nền kinh tế tương trợ lẫn nhau đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam và Australia đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, và chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt, nhu cầu sử dụng năng lượng, nguyên liệu thô, thực phẩm và giáo dục cũng sẽ là cơ hội lớn đối với các nhà đầu tư Australia.
Gần đây, Australia đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam những ngành có thành tựu nổi bật của nước này như dịch vụ tài chính, an ninh, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Điều này cho thấy phía Australia đã nhận ra được tiềm năng phát triển ở thị trường Việt Nam.
Minh Thu