Diễn đàn trực tuyến ASEAN đối phó với hiểm họa từ khí hậu
Phó Tổng thư ký Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) Ekkaphab Phanthavong nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang góp phần làm gia tăng rủi ro và sự tổn thương cho các quốc gia và cộng đồng trong ASEAN.
Borneo Bulletin đưa tin, đây là nhận định được ông Ekkaphab Phanthavong đưa ra trong Diễn đàn Nghiên cứu và Phát triển ASCC lần thứ 4 về "Xây dựng khả năng phục hồi sau thiên tai đối với các hiểm họa liên quan đến khí hậu ở Đông Nam Á" diễn ra theo hình thức trực tuyến mới đây.
Tại sự kiện, Phó Tổng thư ký ASCC kêu gọi các bên quan tâm nhiều hơn đến các phương pháp thích ứng sáng tạo và hợp tác liên ngành để giảm thiểu rủi ro. Ông Ekkaphab Phanthavong cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động tốt hơn các nguồn nhân lực ở địa phương cùng công nghệ tiên tiến, đồng thời gợi ý rằng tài chính sáng tạo có thể là một công cụ mạnh mẽ.
Diễn đàn trực tuyến được tổ chức với sự hỗ trợ của Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF). Hội nghị tập hợp các chuyên gia và quan chức từ các quốc gia thành viên ASEAN để thảo luận về các xu hướng và vấn đề về các hiểm họa liên quan đến khí hậu ở Đông Nam Á, cũng như đưa ra các giải pháp chính sách để xây dựng khả năng phục hồi sau thảm họa.
Tiến sĩ Saut Sagala từ Sáng kiến Phát triển khả năng phục hồi cho rằng ngoài việc thành lập Diễn đàn thảm họa khu vực ASEAN nhằm kết nối hợp tác giữa các trụ cột và liên trụ cột, ASEAN cần thúc đẩy sự đóng góp của giới trẻ, thiết lập mạng lưới các chuyên gia truyền thông và tăng cường phòng ngừa, ứng phó khẩn cấp và phục hồi sau thảm họa.
Trong khi đó, Tiến sĩ Iffah Farhana Abu Talib từ Đại học Teknologi MARA nhấn mạnh bối cảnh rủi ro thiên tai đang thay đổi ASEAN do biến đổi khí hậu. Do đó, vộng đồng quốc tế đã và đang phát triển một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu như xây dựng các thành phố có khả năng ứng phó với thiên tai, triển khai Quỹ giải quyết tổn thất do thiên tai sau Hội nghị khí hậu COP 27.
Một số khuyến nghị chính cũng đã được đưa ra bao gồm sự thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, xây dựng khả năng phối hợp với các bên liên quan tại địa phương, đầu tư vào công nghệ để mở rộng dữ liệu về tổn thất và thiệt hại, cũng như đánh giá các hệ thống bảo trợ xã hội.
Tiến sĩ Mizan Bisri từ Sáng kiến Phát triển Khả năng phục hồi còn thảo luận về cơ hội áp dụng những công nghệ mới nổi để quản lý rủi ro thiên tai.
Ông Mizan Bisri kêu gọi huy động các công nghệ ứng dụng để thúc đẩy Hành động cảnh báo sớm thông minh trong ASEAN. Ông cũng cho biết ASEAN sẽ cần xác định rõ hơn các hành động ban đầu của mình và tác động đối với các hệ thống cảnh báo sớm, đồng thời đầu tư vào các công nghệ và phân tích tiên tiến.
Phát biểu trong phiên bế mạc, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế thuộc Cục Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai Thái Lan kiêm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), bà Pannapa Na Nan đã kêu gọi hợp tác liên ngành trong việc xem xét và thực hiện các khuyến nghị.
Bà Pannapa Na Nan đã mời các cơ quan chuyên ngành của ASEAN tham gia Diễn đàn ASEAN về khả năng phục hồi sau thảm họa vào năm 2023, và cùng hợp tác để giúp ASEAN vươn lên mạnh mẽ hơn sau các cuộc khủng hoảng hiện tại và tương lai.
Các quốc gia trong khu vực như Myanmar, Philippines, Việt Nam và Thái Lan là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về số người chết do thảm họa khí hậu trong hai thập kỷ qua.
Do đó, ASEAN ngày càng chủ động hơn trong việc xây dựng các sáng kiến phòng chống biến đổi khí hậu trong nội khối như chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nông nghiệp và an ninh lương thực, bảo vệ rừng và sử dụng đất, quản lý rủi ro thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học.
Lo ngại những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động tới sự phát triển của Cộng đồng, ASEAN cũng đã thiết lập các khuôn khổ và chương trình hành động chống biến đổi khí hậu. Cả 10 nước Đông Nam Á đều tham gia Công ước khung về Biến đổi khí hậu của LHQ (UNFCCC) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Minh Thu