ASEAN – điểm sáng kinh tế toàn cầu năm 2023
Các nền kinh tế chủ chốt của ASEAN đi “ngược gió”
Theo một báo cáo của United Overseas Bank (UOB) - một trong những ngân hàng lớn nhất ở Đông Nam Á - có trụ sở tại Singapore đưa ra mới đây, các nền kinh tế chủ chốt của ASEAN sẽ nằm trong số ít các nền kinh tế toàn cầu có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023 tới, khi nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm hơn hoặc suy thoái.
Theo báo cáo của UOB, các nền kinh tế chính của ASEAN được “nâng đỡ” bởi nhiều nguồn lực, bất chấp rủi ro về suy thoái kinh tế ở Mỹ, Anh và châu Âu; các chính sách thắt chặt điều kiện tài chính, căng thẳng hơn nữa trong quan hệ Mỹ - Trung và xung đột Nga - Ukraine. 6 nền kinh tế phát triển nhất: Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ vững bước đi lên “ngược gió” trong năm tới.
Theo ông Enrico Tanuwidjaja, UOB: 10 “nguyên tắc cơ bản” sẽ giúp 6 quốc gia ASEAN chính vượt qua tình trạng hỗn loạn toàn cầu và chống chọi với biến động. Đó là: Động lực mạnh mẽ từ sự phục hồi sau đại dịch; sản lượng tăng trên mức trước đại dịch; thương mại mạnh mẽ; phục hồi du lịch; lạm phát lành tính; chuyển dịch chuỗi cung ứng; dòng vốn đầu tư lành mạnh; dự trữ ngoại hối dồi dào; khả năng thanh toán nhập khẩu; nợ ngắn hạn ở mức thấp.
Thực tế, ASEAN đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm ngoái 2022 khi các hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ. Xuất khẩu tăng, cùng với tiêu dùng nội địa tăng, đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, lạm phát ở ASEAN - và hầu hết châu Á - nhìn chung thấp hơn so với hầu hết các thị trường phát triển vì giá tiêu dùng được hỗ trợ một phần bởi các biện pháp hành chính.
Nói về các trụ cột kinh tế, du lịch sẽ là trụ cột của một số nền kinh tế ASEAN trong năm 2023 vì Trung Quốc đã nới lỏng chính sách zero-Covid và đang mở cửa lại biên giới. Điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa các lĩnh vực liên quan đến du lịch, chẳng hạn như bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, vận chuyển và chỗ ở trên khắp ASEAN. Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam thường được hưởng lợi nhiều nhất từ du lịch Trung Quốc.
Kinh tế số cũng là lĩnh vực được 6 nước ASEAN tập trung phát triển.
Vốn FDI vào ASEAN tăng mạnh theo các năm
Theo báo cáo của UOB, vốn FDI vào ASEAN đã tăng 44% trong năm 2021 lên mức kỷ lục 175,3 tỷ USD. Báo cáo lưu ý rằng, ASEAN là điểm đến lớn thứ ba trên thế giới đối với vốn FDI, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù dự trữ ngoại hối đã cạn kiệt trong năm qua do đồng đôla Mỹ mạnh lên, nhưng lượng dự trữ do các ngân hàng trung ương nắm giữ vẫn cao hơn nhiều so với năm 1997 - khi khu vực này trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính. Những khoản dự trữ này sẽ tiếp tục hoạt động như một tấm đệm chống lại dòng vốn lớn chảy ra.
Nói về ngoại hối và khả năng chi trả cho hàng nhập khẩu là một chỉ báo khác về niềm tin vào các nền kinh tế chủ chốt của ASEAN. Hầu hết các quốc gia ASEAN đều có đủ dự trữ để trang trải cho ba tháng nhập khẩu, đây được coi là một ‘quy tắc ngón tay cái’ quốc tế. Các nước này cũng có khoản nợ nước ngoài ngắn hạn tương đối nhỏ so với dự trữ ngoại trừ Indonesia và Malaysia. Điều này đặt các nước ASEAN vào một vị thế tốt để chịu áp lực từ việc đồng đôla Mỹ mạnh lên và lãi suất toàn cầu tăng cao.
Theo UOB, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2023 sẽ thấp hơn so với năm ngoái chút ít nhưng khu vực vẫn tăng trưởng mạnh. Dự kiến cả năm sẽ giảm ở các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu và Vương quốc Anh, trong khi các nền kinh tế chủ chốt của ASEAN dự kiến chỉ tăng trưởng chậm lại dưới 5% vào năm 2023, giảm từ mức hơn 6% vào năm 2022.
Tuy nhiên, vốn FDI vào ASEAN tăng mạnh theo các năm sẽ là một trong lực đẩy cho kinh tế khu vực năm 2023.
Nam Phương