Bưu điện - Truyền thanh… có một thời như thế
Thực ra chú Chí với tôi thì đâu có lạ gì. Ngày ngày thấy “cụ” vẫn đạp xe đến Tạp chí Tem làm việc cho dù đã 84, 85 cái xuân xanh. Vì thế mọi người vẫn hay để ý đến “cụ” và “cụ” thì lại kết thân với cánh trẻ chúng tôi. Thế nhưng lần này rỉ rả chuyện trò, tôi mới biết trước đây chú là kỹ sư vô tuyến điện. Năm 1963, tốt nghiệp ra trường, chàng trai Hà Nội 25 tuổi đó được Tổng cục phân thẳng về Ty Bưu điện - Truyền thanh Sơn La.
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt. Ở miền Bắc đã trải qua mấy năm được sống trong cảnh hòa bình, giờ đây bóng ma chiến tranh lại lẩn quất… Những công trình quan trọng có chủ trương phân tán lên vùng xa xôi hiểm trở để đề phòng… Sơn La là điểm được chọn để thiết lập 1 trung tâm vô tuyến điện để dự trữ cho Trung ương. Đồng thời xây dựng “Đài Phát thanh Sơn La” - “Tiếng nói của Khu Tự trị Thái Mèo” vì nơi đây là thủ phủ của Khu Tự trị.
Trước đó ít lâu, anh chị em kỹ thuật ở Ty Bưu điện – Truyền thanh đã mạnh dạn “cải tiến” một chiếc máy phát vô tuyến điện do “Tàu Tưởng” bỏ lại năm 1945 thành 1 chiếc máy phát thanh tạm thời cho Khu Tự trị hàng ngày tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam và phát thanh một số tiếng đồng bào dân tộc. Cầm máy thu đi qua dốc thị xã rồi mà vẫn còn nghe được Đài, đôi khi cả ở huyện xa cũng bắt được sóng. Lãnh đạo Khu hết sức phấn khởi, tích cực đề xuất với Trung ương nên mới có chủ trương xây dựng đồng thời 2 công trình nói trên và cử 1 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học lên để cùng lo công việc ấy.
- “Hồi đó muốn đi về Hà Nội, xe cộ chắc cũng khó. Khéo dăm tháng chú mới về nhà được 1 lần nhỉ?” – tôi tò mò hỏi.
- “Xin lỗi cô!” - chú ngắt lời - “…Thời bình thì 3 ngày 2 đêm, thời chiến thì đã có bận tôi đi mất 5 ngày 5 đêm, ăn hết cả cái ruột tượng ngót 2 kí gạo …mà vẫn chưa tới nơi... Chưa lần nào đi trên đường mà không thấy cảnh xe mới lăn xuống vực. Thỉnh thoảng có đợt đường tắc cả nửa tháng trời không có xe lên cũng là chuyện thường. Thư, báo, gạo, muối, dầu… mậu dịch cũng không có. Chẳng thế mà năm đó, lần đầu tiên một đồng chí lái xe của Bộ Nội thương đưa được chiếc xe tải có kéo moóc đi từ vùng xuôi lên, cả tỉnh rước cờ hoa ra tận đầu thị xã đón… Đồng chí này sau được phong Anh hùng Lao động”.
Anh chị em kỹ thuật nghiệp vụ của Ty ngày đó dễ cũng có dăm bảy chục người. Đa phần họ là dân ở các tỉnh vùng xuôi mới lên và đều đang ở độ tuổi thanh xuân.
Xa gia đình, xa quê hương, xa thành phố…anh chị em đều hết sức chú tâm vào công việc. Điện hàng ngày ở thị xã lúc đó chỉ có 2 tiếng đồng hồ, từ 7 - 9 giờ, thứ Bẩy và Chủ nhật kéo dài thêm nửa tiếng. Ấy vậy nhưng vẫn có nhiều người ngồi làm việc thâu đêm suốt sáng. Họ dùng đèn dầu hỏa hoặc nhặt những cục pin to của máy điện thoại thải ra ghép lại để soi, với chiếc đồng hồ đo điện cầm tay và chiếc mỏ hàn than nung lên để kì cụi chữa máy...
Cứ sáng Chủ nhật, anh chị em lại kéo nhau ra hàng phở mậu dịch, hàng phở duy nhất ở thị xã. Ra đây vừa để ăn cho “ấm bụng”, vừa là nét “sinh hoạt văn hóa sang trọng” nhất thời bấy giờ. Ngày thường thì một bát giá 4 hào, riêng ngày Chủ nhật có phở móng giò 5 hào. Đấy là một dịp để mọi người đãi nhau.
“Chúng tôi ngày đó sống khá “xông xênh” vì được phụ cấp 25%, trong khi ở vùng xuôi chỉ có 12%. Tuy vậy, có đồng tiền muốn tiêu cũng khó. Ngay đến phở, nhiều khi tắc đường xe không lên được thì nguyên liệu làm phở cũng cạn. Tuy vậy mậu dịch “tinh thần chiến đấu cao”, vẫn mở cửa đón khách bình thường, không chịu lui. Ở xuôi có phở”không người lái”, còn ở đây không có thịt thì tráng trứng bày lên trên trông cũng đẹp. Trứng hết thì bắt ốc ở suối về thế vào thay thịt, trông không đẹp nhưng vẫn hay”, chú kể.
Một câu chuyện khác nữa là “đảm bảo thông tin liên lạc”. Đi công tác bằng xe đạp, đang vội mà giữa rừng xe xịt lốp thì bạn có biết xử lý thế nào không? Theo kinh nghiệm của các đồng chí giao thông viên hỏa tốc bày cho lúc đó, hãy kiếm lấy 1 chiếc que rồi chạy vào bụi rậm ven đường khua khoắng, vồ cho được một chú nhái, lột lấy da dán vào chỗ thủng rồi bơm lên mà đi… Đảm bảo chắc không kém nhựa Thái. Ngày còn làm công tác sáng kiến, chú Chí để ý tìm mãi xem ai là tác giả của “sáng chế” này mà không tìm được …
Sang thời chiến, anh em luôn được nhắc là “Giữ vững thông tin liên lạc bằng mọi cách” và “đảm bảo tiếng nói của Đảng không bao giờ tắt”. Mà khi đã đánh nhau thì việc đầu tiên cả 2 bên đều muốn làm là sớm cắt đứt thông tin liên lạc và “bịt miệng” đối phương…, nên Bưu điện – Truyền thanh luôn là mục tiêu đánh phá… “Vì vậy, qua quá trình hình thành và phát triển, ngành ta đã tạo dựng nên truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” nghĩ cũng có lý. Nó do những hoàn cảnh khách quan, những điều kiện lịch sử tạo nên cháu ạ”, chú Chí bồi hồi chia sẻ.
Câu chuyện của tôi với “người thanh niên năm xưa” ấy tạm ngưng. Trong câu chuyện có nhiều tình tiết mà người kể đôi lúc thấy rưng rưng. Thật tình, viết xong bài về những câu “chuyện xưa” này để chia sẻ cùng bạn đọc, lòng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Cuộc sống của mình tự dưng như được dài thêm ra và sâu đậm hơn. Mình đã góp phần nối vòng tay giữa hôm qua với ngày mai...
Bình Minh