Ngành thông tin và truyền thông: 77 năm đồng hành cùng đất nước

77 năm qua, lịch sử ngành Thông tin và Truyền thông là cả một chặng đường vẻ vang, là sự tiếp nối – phấn đấu đi lên của biết bao thế hệ những người làm Bưu điện (Bưu chính – Viễn thông), Thông tin, Tuyên truyền...

Từ Bộ Thông tin, tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời

Ngày 28/8/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập và ra mắt quốc dân đồng bào vào đúng dịp Quốc khánh 2/9/1945. Trong 13 bộ ngành trực thuộc Chính phủ lâm thời, có Bộ Thông tin, Tuyên truyền đứng đầu là Bộ trưởng Trần Huy Liệu (thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương) - tiền thân của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày nay.

Bên cạnh mảng Thông tin, Tuyên truyền, lĩnh vực Bưu điện cũng được thành lập trong cùng thời gian này. Cụ thể, ngày 14-15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương ra Nghị quyết thành lập “Ban giao thông chuyên môn”, từ đó ngày 15/8 được lấy làm Ngày Truyền thống của ngành Bưu điện - đây chính là lĩnh vực xương sống của ngành Thông tin và Truyền thông qua các thời kỳ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nghe giới thiệu máy khuếch thanh của CP16 - Cục Bưu điện Trung ương, phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960. Ảnh tư liệu.

Nếu lấy mốc 15/8/1945 (với lĩnh vực Bưu điện) và 28/8/1945 (với lĩnh vực Thông tin, Tuyên truyền) – 77 năm qua, ngành Thông tin và Truyền thông đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau, sáp nhập thêm các nhiệm vụ và sứ mệnh mới. Ở mỗi thời kỳ, cốt cách của người làm Bưu điện, làm Thông tin, Tuyên truyền luôn làm rạng danh truyền thống của ngành. Lịch sử ngành Thông tin Truyền thông Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, gắn liền với sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cùng dân tộc kinh qua lửa đạn chiến tranh

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngành Bưu điện đã vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn hiểm nguy trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, xây dựng và giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Gần 1 vạn người con ưu tú của ngành Bưu điện đã ngã xuống trên khắp các chiến trường cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Cũng trong thời kỳ này, lĩnh vực báo chí – tuyên truyền đã trở thành một “binh chủng” quan trọng trên “mặt trận tư tưởng”; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Tâm thế “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” được thôi thúc bởi những bài viết được đánh đối bằng máu của hàng ngàn nhà báo ngã xuống khắp các chiến trường. 

Trong thời kì này, tên của các đơn vị lĩnh vực Bưu điện và Thông tin, Tuyên truyền cũng có sự thay đổi liên tục. Cụ thể, năm 1947 lĩnh vực Bưu điện thuộc Bộ Giao thông công chính; từ năm 1955 đổi tên Nha Bưu điện-Vô tuyến điện Việt Nam thành Tổng cục Bưu điện Việt Nam thuộc Bộ Giao thông và Bưu điện. Năm 1962, đổi tên Tổng cục Bưu điện Việt Nam thành Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh Việt Nam. Năm 1968 lại đổi tên Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh thành Tổng cục Bưu điện… 

Trong khi đó, lĩnh vực Thông tin, tuyên truyền giai đoạn 1945-1975 cũng kinh qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. Từ tên gọi Bộ Thông tin, Tuyên truyền (năm 1945) đến Bộ Tuyên truyền và Cổ động (cùng năm 1945). Sang  năm 1946 xuống nằm trong Bộ Nội vụ dưới tên gọi Nha Thông tin, Tuyên truyền. Tháng 8/1954, Hội đồng Chính phủ lại tái thành lập Bộ Tuyên truyền. Sang năm 1955, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại đổi lại Bộ Tuyên truyền thành Bộ Văn hóa…

Những thế hệ kế cận ngành Thông tin và Truyền thông hiện nay hiểu mình cần phải làm gì để xứng đáng với truyền thống 77 năm của ngành. Ảnh: Hải Việt

Đồng hành cùng đất nước trong thời kỳ đổi mới

Trải qua hơn 30 năm Đổi mới (1976-2007), đặc biệt là sau năm 1990, với việc thực hiện Chiến lược tăng tốc (giai đoạn 1990-2000) và Chiến lược hội nhập và phát triển (2001-2010), ngành Thông tin và Truyền thông nói chung và lĩnh vực Bưu điện nói riêng đã có những bước tiến dài trên mọi lĩnh vực.

Cụ thể, khắp từ Bắc chí Nam chúng ta xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại ngang tầm thế giới với các hệ thống: truyền dẫn vi ba số; vệ tinh; cáp quang trong nước; đài vô tuyến điện… Đặc biệt, việc phóng thành công 2 vệ tinh Vinasat 1 và 2; phủ sóng 3G; phủ cáp quang tới các khu vực trọng yếu đã đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng viễn thông hàng đầu thế giới.

Từ lĩnh vực độc quyền, mang tính phục vụ là chủ yếu với các dịch vụ viễn thông nghèo nàn, lạc hậu, lĩnh vực viễn thông đã có sự bứt tốc ngoạn mục. Cụ thể, ngành đã xây dựng được thị trường bưu chính, viễn thông, Internet cạnh tranh sôi động; dịch vụ đa dạng, giá cả cạnh tranh; các dịch vụ truyền hình nở rộ; các dịch vụ nội dung số phát triển nhanh chóng. Hạ tầng lĩnh vực viễn thông được hoàn thiện từ Trung ương xuống tận cấp xã, công cuộc số hóa truyền hình được đẩy mạnh. 

Trong thời kỳ này, tên gọi và đơn vị chủ quản các lĩnh vực của ngành tiếp tục có sự thay đổi. Cụ thể, tháng 4/1990, chuyển Tổng cục Bưu điện thành Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, nằm trong Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện. Tháng 5/1994, chuyển Tổng công ty Bưu chính-Viễn thông (VNPT) thành tập đoàn kinh doanh của Nhà nước. Đặc biệt, tháng 8/2002, Bộ Bưu chính, Viễn thông ra đời – tiền thân của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày nay.

Cũng trong công cuộc Đổi mới, lĩnh vực Thông tin, tuyên truyền, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay cả nước đã có hơn 850 cơ quan báo chí, khoảng 20 ngàn nhà báo và hàng vạn người viết báo không chuyên. Cùng với sự phát triển mạnh của mạng xã hội, truyền thông xuyên biên giới, các chiến sĩ thông tin trong thời kỳ mới  phải vừa hồng, vừa chuyên. Mỗi chiến sĩ phải tích cực tham gia chống “diễn biến hòa bình”, tích cực đưa thông tin của Đảng, đường lối chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.

Lĩnh vực Tuyên truyền cũng kinh qua nhiều tên gọi khác nhau. Năm 1977, hợp nhất Tổng cục Thông tin và Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin. Đến năm 1981, tiếp tục đổi tên Bộ Văn hóa và Thông tin thành Bộ Văn hóa. Sang năm 1987, thành lập lại Bộ Thông tin. Năm 1990, hợp nhất và thành lập Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch. Năm 1992, đổi lại Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành Bộ Văn hóa - Thông tin (có một số mảng năm 2007 được cắt về Bộ Thông tin và Truyền thông ngày nay).

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục bước lên phía trước, xung phong làm đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Việt

Cơ cấu mới, sứ mệnh mới, khát vọng mới

Tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa – Thông tin. Lịch sử ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam lại bước sang một trang mới, đón nhận những sứ mệnh mới và thực thi những khát vọng mới. 

Nếu “Bộ Bưu chính, Viễn thông ra đời là kết quả quá trình phấn đấu đi lên của ngành Bưu điện và phù hợp với xu thế thế giới” - lời nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông Đỗ Trung Tá; thì việc thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy nhằm phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.

Với vai trò là đơn vị dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số nhằm phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục bước lên phía trước, xung phong làm đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế - xã hội. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện cùng lúc 2 sứ mạng: Tạo ra niềm tin, đồng thuận xã hội và khát vọng dân tộc; Thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội nhằm đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, thành nước phát triển. 

Trong nhiệm vụ vẻ vang và nặng nề ấy, bản lĩnh của những con người ngành Thông tin và Truyền thông lại một lần nữa được thử thách. Họ là những người được chọn để tiếp nối truyền thống 77 năm vẻ vang của ngành. Những thế hệ kế cận hiện nay hiểu rằng, mình cần phải làm gì để xứng đáng với những đóng góp của biết bao thế hệ cha anh, để tự tin tiếp nối và hoàn thành sứ mệnh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Xin lấy lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thay cho lời kết: “Khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá, vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao. Đôi cánh để Việt Nam bay lên là công nghệ và khát vọng phát triển. Đôi cánh này đều liên quan tới ngành Thông tin và Truyền thông. Covid-19 là cú hích trăm năm cho chuyển đổi số. Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước vào chuyển đổi số. Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện…”!

Là một trong 13 bộ ngành được thành lập sớm nhất (Bộ Thông tin, tuyên truyền) từ năm 1945, trải qua 77 năm hình thành và phát triển, ngành Thông tin và Truyền thông luôn đồng hành cùng dân tộc; phục vụ Đảng và Nhà nước, phụng sự nhân dân; chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hải Việt

Hà Nội có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”

Nhiều hoạt động được TP Hà Nội triển khai nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 – 18/12/2022)

Việt Nam - Hàn Quốc chính thức nâng cấp quan hệ lên 'Đối tác Chiến lược Toàn diện'

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Seoul, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hàn Quốc đã đồng thuận nâng cấp quan hệ song phương lên 'Đối tác Chiến lược Toàn diện'.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Hàn Quốc nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc nhân kỷ niệm 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Việt Nam – Hàn Quốc hướng tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện

Việt Nam – Hàn Quốc đang hướng tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Việt Nam – Campuchia tiến tới mục tiêu thương mại song phương đạt 10 tỉ USD

Hai Thủ tướng Việt Nam – Campuchia nhấn mạnh hai nước sẽ tiến tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỉ USD vào cuối năm nay.

Thành lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội Campuchia, Lào, Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Lào, Việt Nam đã ký tuyên bố chung lần đầu tiên thành lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV vào ngày 20/11.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp các lãnh đạo cấp cao Campuchia

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao Campuchia và thảo luận về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Áo

Hội thảo kỷ niệm Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ giữa Áo và Việt Nam được tổ chức tại Áo với sự tham gia của Đại sứ Việt Nam Nguyễn Trung Kiên.

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Bằng hoài bão cứu nước cứu dân mãnh liệt, bản lĩnh và sự mẫn cảm chính trị ở tuổi 21 của một tầm nhìn xa, cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước.

Timor-Leste sắp trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN

Trong tuyên bố chung ngày 11/11/2022, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí về nguyên tắc để kết nạp Timor-Leste vào ASEAN, trở thành thành viên thứ 11 của khối.

Đang cập nhật dữ liệu !