Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Theo hồi kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nhiều lí do khiến Người sang phương Tây tìm đường cứu nước. Cụ thể, nhận ra sự bất lực và thất bại của hệ ý thức phong kiến và hệ ý thức tư sản, quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành (tên thời thanh niên của Người) cho thấy một tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong việc xác định hướng đi, cách đi, mục đích đi và nơi đến. “Tây du” mà không “Đông du” và chọn đến thẳng Pháp – quốc gia đang cai trị dân tộc mình để xem họ “vĩ đại” ra sao, có gì mà họ tuyên bố đi “khai phá văn minh”.
Ngoài ra, 2 sự kiện rất đáng được quan tâm ở thời khắc Nguyễn Tất Thành quyết định con đường đi của mình. Một là, Nguyễn Tất Thành nhận ra cách làm của Phan Châu Trinh là xin giặc rủ lòng thương; cách làm của Phan Bội Châu là “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; hoặc cách làm của Hoàng Hoa Thám thực tế hơn - trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng còn nặng cốt cách phong kiến.
Được biết, cụ Phan Bội Châu muốn đưa Nguyễn Tất Thành và một số thanh niên sang Nhật, nhưng Nguyễn Tất Thành không đi. Người sau này đã trả lời một nhà văn Mỹ rằng “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi lúc này thường tự hỏi nhau rằng, ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật. Người khác nghĩ là Anh. Có người khác nữa nghĩ là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ”.
Để rồi chỉ sau 6 năm tìm đường, Nguyễn Tất Thành là số ít trong các nhà lãnh đạo cách mạng các nước thuộc địa lúc bấy giờ sớm phát hiện ra tầm vóc và ý nghĩa “vạch thời đại” của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lê-nin, Nguyễn Tất Thành thuộc dòng tinh thần của những nhân vật hiếm thấy đại diện cho tinh hoa thế giới, những con người mà ngay từ đầu đã kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính, khát vọng giải phóng đồng bào mình với đoàn kết và giải phóng các dân tộc thuộc địa.
Để rồi 30 năm sau (năm 1941), Người đã trực tiếp về Việt Nam lãnh đạo cách mạng thành công. Cuộc hành trình mười năm “tìm đường” (1911-1920) đã giúp Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ánh sáng khoa học, chân lý cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Theo Người, chỉ có chủ nghĩa Mác - Lê-nin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất. Đó chính là tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Nói như giới trẻ ngày nay, Người đã chọn đúng đường và “khởi nghiệp” thành công.
Hải Việt