Tri ân các anh hùng liệt sĩ ngành Thông tin và Truyền thông
Cách tốt nhất để tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống là xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, 77 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông, ngày 6/8, tại Nghĩa trang Liệt sĩ ngành Thông tin – Giao bưu Trung ương Cục miền Nam (R) tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, đoàn cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ðoàn dâng hương do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu, với 300 đại biểu là các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Biên; lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, các hiệp hội và cán bộ, nhân viên ngành Thông tin và Truyền thông trên toàn quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xúc động chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm và nỗi đau vẫn còn mãi với người ở lại. Trải qua các cuộc chiến tranh đầy gian khổ, nhiều thế hệ cha anh của chúng ta đã hy sinh thân mình để giành lấy độc lập, bảo vệ non sông. Họ đã nằm lại trong vòng tay bao bọc của đất mẹ. Trong đó, hàng vạn cán bộ, công nhân viên ngành Thông tin và Truyền thông đã anh dũng hy sinh, để lại một phần thân thể nơi chiến trường để bảo vệ cho mạch máu thông tin liên lạc phục vụ Ðảng, Chính phủ, các ngành, các cấp, và nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân được thông suốt, với tinh thần “Ðứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương”. Họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do””.
Cũng theo Bộ trưởng, với truyền thống yêu nước và phát huy tinh thần cách mạng, cán bộ công nhân viên ngành Thông tin và Truyền thông dâng nén tâm nhang lên các anh hùng liệt sỹ với lời hứa quyết tâm phát huy truyền thống Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình, và với phương châm hành động “Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá”.
“Cách tốt nhất để tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống là xây dựng đất nước này hùng cường thịnh vượng, có nỏ thần để bảo vệ Tổ quốc, để không kẻ thù nào có thể xâm phạm, để đất nước ta có hòa bình lâu dài. Phải có hòa bình lâu dài thì mới có tích lũy để Việt Nam trở thành nước phát triển bởi mỗi cuộc chiến tranh có thể sẽ đưa đất nước trở về điểm xuất phát”, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Ðược biết, trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hai ban Giao bưu và Thông tin R đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo của Trung ương Cục trong toàn miền Nam. Ðã có gần 300 liệt sĩ của ngành Bưu điện vĩnh viễn nằm lại nơi này.
Nghĩa trang Liệt sĩ ngành Thông tin - Giao bưu Trung ương Cục miền Nam (R) và Tượng đài chiến sĩ Giao bưu – Thông tin tại huyện Tân Biên được đầu tư xây dựng năm 1985. Tượng đài thể hiện một nam chiến sĩ thông tin vô tuyến điện và một nữ chiến sĩ giao bưu đang làm nhiệm vụ.
Sau lễ dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ ngành Thông tin – Giao bưu Trung ương Cục miền Nam (R), Ðoàn cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Ðồi 82 Tây Ninh, thăm Nhà truyền thống Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam, nơi trưng bày những kỷ vật của ngành.
Ngày 14/8, Ðoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông do nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Ðức Lai, Trưởng Ban Liên lạc hưu trí và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn dẫn đầu, đã đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ðèo De, xã Phú Ðình, tỉnh Thái Nguyên; và dâng hương tại Nhà bia lưu niệm Khu di tích lịch sử ngành Bưu điện ở thôn Bản Là, xã Bình Thành; nghe thuyết minh về vai trò của An toàn khu (ATK) Ðịnh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong giai đoạn 1946 - 1954, thôn Bản Là là địa điểm đặt trụ sở của Ban Giao thông liên lạc Trung ương (tổ chức tiền thân của Nha Bưu điện Việt Nam - nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Cũng tại nơi này, Ban Giao thông liên lạc Trung ương đã tổ chức mạng lưới liên lạc phục vụ Trung ương Ðảng, Chính phủ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
Anh Duy