ASEAN tăng cường bảo vệ nguồn tài nguyên sinh học phong phú
Các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) đã thông qua một lộ trình để đảm bảo các nguồn tài nguyên sinh học phong phú của khu vực được quản lý bền vững bằng cách sử dụng Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF) làm chỉ dẫn.
Dưới sự bảo trợ của Cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các Bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Đa dạng sinh học (CBD COP 15) với chủ đề “Văn minh sinh thái - Xây dựng tương lai chung cho mọi sự sống trên trái đất”, một sự kiện bên lề đã được tổ chức với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách chủ chốt của AMS để nêu bật tiến độ hướng tới những mục tiêu đa dạng sinh học trong khu vực ASEAN. Các nhà hoạch định chính sách cũng đưa ra những thách thức và giải pháp sáng tạo góp phần vào khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) sau năm 2020.
Bà Theresa Mundita Lim, Giám đốc điều hành của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB), nhấn mạnh tại sự kiện rằng mặc dù chỉ chiếm 3% tổng diện tích đất liền của thế giới, nhưng khu vực ASEAN là nơi sinh sống của gần 20% tổng số loài được biết đến trên thế giới, và nơi sống của gần 30% các loài rạn san hô trên thế giới, 60% vùng đất than bùn nhiệt đới trên thế giới, và hơn 40% diện tích rừng ngập mặn trên thế giới.
Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN Ekkaphab Phanthavong, hoan nghênh những tiến bộ của ASEAN và AMS trong các nỗ lực bảo tồn như được trình bày trong Phiên họp thứ ba của Triển vọng Đa dạng sinh học ASEAN (ABO 3).
Trong bài phát biểu, ông Ekkaphab Phanthavong cho hay chiến lược của ACRF trong việc hướng tới một tương lai bền vững và linh hoạt hơn thông qua việc thúc đẩy các giải pháp dựa trên thiên nhiên. Ông Ekkaphab Phanthavong cũng đã nhắc lại Tuyên bố chung của ASEAN tại CBD COP 15 về nhu cầu tăng cường các biện pháp, cải thiện truyền thông và nhân rộng các hành động để tiếp tục cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái. Ông Ekkaphab Phanthavong đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận có sự tham gia của nhiều bên liên quan nhằm nỗ lực tạo ra sự thay đổi mang tính chuyển đổi để giải quyết các nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học, và hướng tới mục tiêu xây dựng một tương lai cuộc sống hài hòa với thiên nhiên. Ông cảm ơn các đối tác ASEAN và hoan nghênh các quốc gia thành viên tiếp tục hợp tác để bảo vệ đa dạng sinh học cho nhiều thế hệ sau.
Trong khi đó, bà Badiah Achmad Said thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia đã chia sẻ những thông điệp chính từ Hội nghị Công viên Di sản ASEAN (AHP) năm nay, và cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cách Indonesia có thể đóng góp để đạt được GBF. Bà Badiah Achmad Said lưu ý rằng chủ đề của AHP năm nay tập trung vào sự liên kết giữa con người và thiên nhiên.
Ông Ernesto Adobo Jr. của Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Philippines nhấn mạnh rằng không thể thực hiện hành động vì khí hậu cũng như khắc phục và ngăn chặn đại dịch Covid-19 mà không giải quyết vấn đề xuyên suốt về mất đa dạng sinh học.
Bà Benchamaporn Wattanatongchai thuộc Văn phòng Kế hoạch và Chính sách Tài nguyên và Môi trường Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép đa dạng sinh học vào thực tiễn nông nghiệp, và đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan tập trung vào bảo tồn, cũng như sử dụng bền vững tài nguyên nông nghiệp.
Bà Masha Kalinina của Pew Charitable Trusts hoan nghênh cam kết của AMS với Liên minh Tham vọng Cao để hỗ trợ mục tiêu 30X30 nhằm bảo tồn 30% môi trường sống trên cạn và dưới biển vào năm 2030. Bà Masha Kalinina cho biết Liên minh Thiên nhiên Xanh có mục tiêu bảo tồn 18 triệu km2 đại dương vào năm 2030.
Bà Clarissa Arida của ACB đã giới thiệu ABO 3 tập hợp các hành động tập thể, có trách nhiệm và thiết thực cho đa dạng sinh học bằng cách sử dụng thông tin mới nhất hiện có, tiến độ đạt được các Mục tiêu Đa dạng sinh học Aichi và các lĩnh vực cần cải thiện các mục tiêu này trong khu vực ASEAN .
Theo bà Clarissa Arida, mất đa dạng sinh học đòi hỏi phải có hành động tập thể trong và ngoài khu vực ASEAN, cũng như sự phối hợp với một loạt các thỏa thuận môi trường đa phương (MEA).
Minh Thu